Ngành Ngân hàng Đà Nẵng triển khai niệm vụ năm 2024
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, năm 2023 ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh và đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong năm 2023.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 12/2023, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đạt 192.954 tỷ đồng, tăng 12,07% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 219.796 tỷ đồng, tăng 5,08% so với cuối năm 2022.
Nhìn chung, năm 2023 tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân chính, do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu sau đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng từ đầu năm. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh áp lực lạm phát và diễn biến không thuận lợi của hoạt động tiền tệ - ngân hàng thì đây vẫn là mức tăng trưởng đáng ghi nhận của toàn ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng.
![]() |
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Đà Nẵng năm 2024. |
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, trong năm qua các TCTD trên địa bàn đã tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và chính quyền địa phương. Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống...
Trong đó, về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, lũy kế từ đầu chương trình đến cuối tháng 11/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 3.512 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất đạt 19,3 tỷ đồng, cho 92 lượt khách hàng, trong đó có 68 doanh nghiệp và 24 cá nhân.
Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ 24/4/2023 đến 30/11/2023) đạt 4.861,49 tỷ đồng, với 502 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ...
![]() |
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị |
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, ngay từ những ngày đầu năm 2023, được sự chỉ đạo của NHNN, chính quyền địa phương, cùng với sự phối hợp các sở, ban, ngành trên địa bàn về việc triển khai có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến quý 4/2023, các TCTD trên địa bàn cam kết cho vay theo chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt 2.171 tỷ đồng, doanh số giải ngân từ đầu năm đạt hơn 2.652 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 1.440 tỷ đồng cho 420 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua chương trình các TCTD giảm lãi suất cho 16 doanh nghiệp với tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 320 tỷ đồng.
Cũng trong năm qua, hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố, đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian gần đây. Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển cả về quy mô lẫn loại hình giao dịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng được nâng cao và nhiều ứng dụng ngân hàng số ra đời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng như, chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán di động, sử dụng mã QR, ví điện tử... phục vụ đắc lực và đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
![]() |
Các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương... |
Cơ sở hạ tầng và công nghệ được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến 31/12/2023, toàn địa bàn có 530 ATM và 7.703 POS đang hoạt động...
Có thể nói, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo chủ động, kịp thời của NHNN, sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với những nỗ lực chung tay của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn, hoạt động ngân hàng tại TP. Đà Nẵng năm 2023 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã ghi nhận những đóng góp của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong thời gian qua. Các TCTD đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng tích cực trong việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ...
Năm 2024, Đà Nẵng xác định là năm tiếp tục phấn đấu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả chủ đề của năm: "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội".
![]() |
Ngành Ngân hàng Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. |
Để góp phần đồng hành cùng thành phố trong thực hiện các mục tiêu này, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu NHNN chi nhánh thành phố tiếp tục bám sát chủ trương chỉ đạo điều hành của Chính phủ, NHNN, thành phố trong năm tới nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển tiền tệ, ngân hàng tại địa phương. Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân tạo điều kiện hỗ trợ, tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn tín dụng…
Về phía các TCTD tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, địa phương; trong đó tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở xã hội… đẩy mạnh chuyển đổi số, không dùng tiền mặt. Tích cực triển khai các gói hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, hạn chế tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Tin liên quan
Tin khác

Ngân hàng tiếp sức, doanh nghiệp cất cánh

Đưa đồng vốn ngân hàng phát triển vùng phên dậu của Tổ quốc

OCB và VinaCapital hợp tác chiến lược, gia tăng lợi ích cho khách hàng ưu tiên

Gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH

NHNN Khu vực 4: Ổn định tổ chức, duy trì hiệu quả hoạt động với mô hình mới

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 tổ chức chuỗi sự kiện hướng tới ngày Thống nhất đất nước

Thắp sáng giấc mơ an cư từ dòng vốn chính sách

Agribank hỗ trợ 1,5 tỷ đồng mua ghe Ngo cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh

NHCSXH Quảng Ngãi: Lan tỏa phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”
