Ngang nhiên khai thác tài nguyên trái phép
![]() | Khai thác cát trái phép trong khu công nghiệp |
![]() | Nỗi lo cát tặc |
Muốn kiện thì lên… xã
Khu vực suối Hương Giang thuộc địa bàn 2 xã Thượng Nhật và Hương Giang, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) hiện đang bị băm nát do nạn móc đất và sỏi trái phép. Tiếp tục đi dọc về phía hạ nguồn thì gặp chiếc xe múc đang hì hục ngoạm cả đất lẫn sỏi.
Cạnh đó, một xe tải sau khi được lấp đầy “hàng” thì nhả khỏi đen sì, ì ạch rời hiện trường. Những chiếc còn lại chờ đến lượt, thấy phóng viên tác nghiệp đã được cánh tài xế điều khiển lao vội về phía đường làng, rồi băng vào cánh rừng gần đó.
Anh Hải, một người dân địa phương nói, việc khai thác khoáng sản trái phép ở con suối này diễn ra rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Điều khó hiểu là các xe tải chất đầy đất đá, không che phủ bạt, nghênh ngang chạy trên đường mà chẳng thấy cơ quan chức năng ngó ngàng (!?).
![]() |
Một điểm khai thác cát, sỏi trên sông Hương |
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi nhận thấy có xe tải dán logo của Công ty xây dựng Thiên Phú (trụ sở đóng ở Nam Đông). Ông Hồ Tất Thiên, Giám đốc Công ty xây dựng Thiên Phú nói tỉnh bơ: “Đang thi công san lấp mặt bằng tại khu tái định cư cho một số hộ dân ở xã Thượng Nhật nên cần cát, sỏi cho khỏi lún nền”.
Ông Thiên thừa nhận việc làm này là sai và cho biết, không chỉ công ty ông mà tại khu vực suối Hương Giang còn có một số cá nhân khác cũng tham gia khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng. Trong khi, theo nhiều người dân ở xã Hương Giang, con suối này trước đây rất trong xanh, nơi bà con trong làng thường tắm rửa, giặt giũ.
Nhưng thời gian gần đây, do nạn múc trộm đất, sỏi nhiều quá khiến dòng chảy không lưu thông. Có lần, tôi tiến đến hỏi thì các lái xe hăm dọa: “Muốn kiện thì lên… xã mà kiện!”, một người dân ở đây cho biết.
Tình trạng khai thác tài nguyên trái phép còn diễn ra tấp nập trên nhiều dòng sông và khe suối khác tại Thừa Thiên - Huế, trong đó, có sông Hương, dòng sông vốn từ lâu được chọn làm trục chính trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Huế.
Thực tế, hầu hết các di tích liên quan đến kinh thành Huế đều gắn liền với sông Hương và cảnh quan đôi bờ. 17 di tích đã được công nhận đều có quan hệ mật thiết với sông Hương trong tổng thể không gian kiến trúc chung. Thế nhưng, tại dòng sông này, đoạn gần ngã ba Tuần và bến Gia Long, hàng chục đò máy, phương tiện khai thác cát, sỏi vẫn ngang nhiên khai thác cát sỏi trái phép, gây sạt lở đôi bờ, ảnh hưởng dòng chảy.
Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà thừa nhận, đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép tập trung tại các vị trí như: Tả Trạch (một nhánh sông Hương) thuộc thôn Đình Môn, nhánh sông Hữu Trạch từ kè thôn La Khê Bãi đến bãi bồi Lăng Minh Mạng. Những đối tượng này liều lĩnh khai thác cát, sỏi gần bờ, lúc cao điểm có 20 đến 30 tàu khai thác.
Thời gian khai thác chủ yếu tập trung từ 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Việc này khiến tình trạng sạt lở bờ sông dọc tuyến diễn ra nghiêm trọng, người dân bức xúc. Các đối tượng lại rất manh động, sẵn sàng dùng mọi phương tiện để chống trả quyết liệt, rồi bỏ trốn khi đoàn tuần tra của địa phương tiếp cận.
Muôn vàn lý do
Tại hội nghị đánh giá về thực hiện quy hoạch khai thác và quản lý sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng và cát, sỏi trên địa bàn do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức, đại diện nhiều địa phương đã chỉ rõ những yếu kém trong sự phối hợp giữa các địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép với công an huyện, thị xã và Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đó là nguyên nhân khiến nạn khai thác cát, sỏi trái phép chưa được xử lý triệt để. Một số ý kiến khác thẳng thắn, còn có sự bao che, cả nể trong quá trình xử lý...
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, phải xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Những đối tượng vi phạm có hành vi chống đối sẽ đề nghị khởi tố, đưa vào “danh sách đen” theo dõi tại các địa phương để răn đe.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thế Xê, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Nam Đông, thì có thể các DN xây dựng các công trình hạ tầng cho địa phương, nên chính quyền sở tại đã “bật đèn xanh”.
Trong khi đó, Trung tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế lại cho rằng, nhiều địa phương, cơ quan, ban, ngành còn xem việc xử lý nạn khai thác cát và sỏi trái phép trên các dòng sông chỉ là việc riêng của lực lượng công an nên thiếu phối hợp và thiếu những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên…
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, cần nhân rộng mô hình quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông theo cộng đồng như tại Ban Quản lý khai thác cát, sỏi cộng đồng phường Hương Vân. Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sau nhiều lần họp bàn đã thống nhất chủ trương chọn “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Bồ tại thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà để giao cho cộng đồng quản lý và khai thác.
Tại khu vực này, 52 phương tiện đăng ký khai thác cát sỏi được đánh số thứ tự để dễ quản lý, kiểm tra. Các hộ sau khi đăng ký phương tiện và được cấp phiếu chỉ được khai thác mỗi ngày 2 chuyến (10m³/phương tiện). Đồng thời, có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường khoảng 11.000 đồng/m³.
Ở phía dưới dòng sông cách mỏ cát khoảng 150m, có đặt một “trạm điều hành” giám sát với 5 thành viên chuyên lo việc phát phiếu cho các hộ khai thác cát, sỏi tập trung tại bãi quy hoạch của phường. Trạm điều hành còn thường xuyên cắt cử người kiểm tra và xử lý nghiêm những phương tiện chưa được cấp phiếu mà vẫn khai thác hoặc neo đậu hút cát không đúng vị trí…
Đồng thời, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ người dân chuyển từ nghề khai thác cát, sỏi trái phép, nhỏ lẻ, sang khai thác tập trung theo quy hoạch, góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
