Ngân hàng góp sức để nơi tâm lũ “hồi sinh”
Tháng Mười vừa qua chắc chắn sẽ là khoảng thời gian khó quên đối với người dân miền Trung nói chung và bà con Hà Tĩnh nói riêng. Bởi, chỉ trong một thời gian ngắn cả khu vực phải liên tiếp gánh chịu những đợt mưa lũ lịch sử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân... Đến nay, sau gần một tháng nước rút, chung tay tái thiết cuộc sống sau lũ, cùng với cả hệ thống chính trị, ngành Ngân hàng đang nỗ lực vào cuộc, để Hà Tĩnh cũng như những địa phương khác sớm “hồi sinh”.
Hà Tĩnh - mảnh đất chảo lửa, túi mưa một trong những nơi tâm lũ, trong đợt mưa lũ vừa qua. Liên tiếp những cơn mưa như trút nước đã tàn phá mùa màng, hệ thống cơ sở vật chất, cuốn trôi hàng nghìn con trâu, bò, lợn, gà... cùng nhiều tài sản của bà con. Đối với ngành Ngân hàng trên địa bàn, ngoài những thiệt hại về cơ sở vật chất, thì theo tổng hợp của các TCTD có đến 6.669 khách hàng bị thiệt hại sau đợt mưa lũ lịch sử.
Ngay sau khi nước rút, đối với người dân vùng lũ Hà Tĩnh cũng như ở những địa phương khác, điều cần nhất chính là được hỗ trợ sinh kế, vốn để tiếp tục tái sản xuất... Thấu hiểu những điều đó, ông Trần Hữu Cần - Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Hà Tĩnh chia sẻ, hỗ trợ người dân địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ, chi nhánh chủ động nắm sát tình hình mưa lũ trên địa bàn, kịp thời chỉ đạo các TCTD khẩn trương rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại do mưa lũ, từ đó có những biện pháp để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Các TCTD trên địa bàn cũng đã nhanh chóng rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng. Đồng thời, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ...
Để hỗ trợ khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn, Vietcombank Hà Tĩnh một trong những chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh tiên phong thực hiện việc giảm lãi suất. Cụ thể, chi nhánh giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với cả dư nợ hiện hữu và vay mới của doanh nghiệp, người dân địa phương. Theo đại diện Vietcombank Hà Tĩnh, đợt giảm lãi suất lần này, với mong muốn khách hàng của Vietcombank sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất sau đợt mưa lũ lịch sử. Điều đáng nói, trước đó chi nhánh cũng đã tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với những khách hàng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Tương tự, tại Agribank Hà Tĩnh, ngay sau thời điểm cơn lũ lịch sử đi qua, chi nhánh đã tiến hành rà soát lại toàn bộ khách hàng, đánh giá mức độ thiệt hại và áp dụng các biện pháp hỗ trợ một cách nhanh, hiệu quả nhất. Trong khi đó, tại Agribank Hà Tĩnh II nhằm hỗ trợ bà con vượt qua thời điểm khó khăn, chi nhánh cũng đã khởi động gói tín dụng đặc biệt, dành riêng cho khách hàng bị thiệt hại do lũ lụt. Theo đó, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất 5%/năm trong 3 tháng đầu kể từ ngày giải ngân (thời gian áp dụng đến hết 31/12/2020). Sự tiếp sức này chắc chắn sẽ giúp bà con địa phương khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh, việc hạ lãi suất cho vay, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho 244 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu là 15.869 triệu đồng. Trong đó, giữ nguyên nhóm nợ là 8.423 triệu đồng. Miễn, giảm lãi cho 686 khách hàng, với dư nợ được miễn giảm lãi là 81.578 triệu đồng, số tiền lãi dự kiến miễn giảm là 192,49 triệu đồng... Động thái này được xem là rất tích cực, kịp thời và thiết thực giúp người dân bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Song song đó, cho vay mới 457 khách hàng với doanh số cho vay là 126.939 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đang trình hồ sơ đề nghị khoanh nợ cho 20 khách hàng với dư nợ đề nghị khoanh là 814 triệu đồng, tiến hành hồ sơ xóa nợ cho 1 khách hàng với số tiền 42 triệu đồng...
Song song, với những nỗ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế địa phương, trước khó khăn của người dân, các chi nhánh NHTM trên địa bàn cũng đã vận động cán bộ, nhân viên, người lao động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại. Với tinh thần tương thân tương ái, NHNN tỉnh và các TCTD trên địa bàn đã kịp thời hỗ trợ người dân trong vùng lũ. Đến nay, đã hỗ trợ người dân bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm với tổng trị giá 12.426 triệu đồng, kịp thời chia sẻ với người dân Hà Tĩnh phải gánh chịu những thiệt hại hết sức nặng nề do mưa lũ gây ra...
![]() |
Người dân vùng lũ Cẩm Xuyên nhận bò giống từ Agribank Hà Tĩnh II |
Trong đó, tại chi nhánh Agribank Hà Tĩnh II nhằm trao sinh kế, giúp người nghèo vực dậy sau mưa lũ, chi nhánh đã trao tặng những con bò giống đến tận tay 35 hộ dân gặp khó khăn nhất ở vùng “tâm lũ” ở địa phương gồm: TP. Hà Tĩnh huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà. Đối với nhiều người dân ở địa phương, những con bò giống được trao tặng không chỉ là món quà có giá trị tài sản lớn, mà còn thắp lên niềm tin để họ vực dậy cơ nghiệp sau đợt mưa lũ. Được biết, toàn bộ kinh phí mua đàn bò giống này đều được quyên góp từ những ngày lương của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động của chi nhánh. Theo ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, món quà Agribank Hà Tĩnh II đưa đến cho người dân nghèo, chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ vừa qua có ý nghĩa đặc biệt. Đây không chỉ là “nguồn vốn” để bà con khôi phục sản xuất mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cùng chung tay với chính quyền địa phương tiếp sức cho người dân gặp khó khăn, để họ không bị tái nghèo sau mưa lũ.
Tương tự, công đoàn cơ sở Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phối hợp cùng các ngành chức năng địa phương tổ chức kịp thời trao quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con bị ngập lụt ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP. Hà Tĩnh với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Thăm viếng và hỗ trợ 6 gia đình chiến sĩ đoàn kinh tế quốc phòng 337 tỉnh Quảng Trị hy sinh tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê với số tiền 30 triệu đồng. Thăm viếng, hỗ trợ các gia đình có người thân bị chết do mưa lũ 40 triệu đồng. Đồng thời, ủng hộ 200 triệu đồng để địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ...
Có thể nói, hình ảnh về cơn lũ lịch sử vừa đi qua, sẽ còn lưu giữ mãi trong tâm trí của người dân Hà Tĩnh. Và sau những mất mát, khó khăn do mưa lũ gây ra, nguồn vốn của ngành Ngân hàng đã và đang tiếp thêm động lực, sức sống, nguồn năng lượng mới cho người dân vượt qua những khó khăn để cuộc sống nơi tâm lũ được sớm “hồi sinh”.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ
