Ngăn chặn tình trạng chặt chém để giữ thương hiệu cho Đà Nẵng
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Minh bạch giá cả hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết là một trong những yếu tố góp phần thu hút và giữ chân du khách khi đến với thành phố biển Đà Nẵng cũng như địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng “chặt chém”, “nâng giá”, “phụ thu giá”…
Những hành vi nói trên gây ảnh hưởng tới thương hiệu của Đà Nẵng, ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển ngành du lịch ở địa phương, sau thời gian chịu ảnh hưởng thiệt hại do “bão dịch”...
![]() |
Việc công khai minh bạch giá và bình ổn giá cần được chú trọng. |
Một nhà hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng từng khiến dư luận xôn xao với hóa đơn thanh toán cho hai tô phở có giá tới 590 nghìn đồng. Nhiều du khách lẫn người dân địa phương cho rằng, mức giá này quá cao, đây là hành vi chặt chém, gây ảnh hưởng tới tâm lý của du khách, đặc biệt ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch thân thiện của địa phương.
Tương tự, dư luận tại Đà Nẵng từng xôn xao khi một du khách lên facebook, tố bị chặt chém với bữa ăn hơn 10 triệu đồng, nhận phiếu tính tiền toàn tiếng Trung Quốc, tại một nhà hàng ven biển quận Sơn Trà.
Mới đây nhất, một “thượng đế” đã phải trả đến 400 nghìn đồng sau khi đánh đôi giày ở Đà Nẵng. Theo đó, trên mạng xã hội anh P.T kể lại câu chuyện, khi anh đang uống cà phê trên đường Bạch Đằng, có một nam thanh niên đến mời đánh giày. Khi tính tiền, người đánh giày nói giá 190 nghìn đồng, chủ giày phàn nàn giá cao thì nam thanh niên cho biết do dán thêm đế và lót giày. Chủ giày đưa tờ 500 nghìn đồng thì chỉ được trả lại 100 nghìn đồng với lý do dán giày giá 190 nghìn đồng/chiếc, tức 380 nghìn đồng/đôi và công đánh giày 20 nghìn đồng, tổng cộng 400 nghìn đồng.
Sau khi bị người đánh giày chặt chém, anh P.T bức xúc, mình cứ nghĩ là ở Đà Nẵng đã hết tình trạng chèo kéo, chặt chém khách mà đến bây giờ vẫn còn. Nạn nhân cho biết thêm, lúc đấy mình đang tiếp khách nên cũng không làm lớn chuyện. Nhưng thực sự rất bức xúc!…
Bên cạnh đó, các gánh hàng rong trên hè phố hay ngay tại các chợ truyền thống trên địa bàn, vẫn còn tình trạng giá bán bao nhiêu là do người bán định đoạt. Điểm dễ nhận thấy là các quầy hàng đều dán giá niêm yết lên các món hàng. Tuy nhiên, việc niêm yết giá không đồng nhất. Có mặt hàng kê giá một đằng nhưng lại bán một nẻo...
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” phải hạn chế và xử lý. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ là đơn lẻ, không thể khái quát được tổng thể điểm đến du lịch Đà Nẵng.
Những sự việc này khiến không ít người bức xúc, cơ quan chức năng cũng phải nhanh chóng vào cuộc xử lý rốt ráo. Trước tình trạng này, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phải công bố số điện thoại đường dây nóng 1022, để cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách trong trường hợp khẩn cấp như bị chặt chém, chèo kéo; du khách bị mất tài sản, cướp giật, bị tai nạn, lạc đường… Đồng thời, tiếp nhận mọi phàn nàn và góp ý của người dân và du khách liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Cần minh bạch về giá cả
Trên thực tế hiện nay, cơ quan chức năng chủ yếu quản lý, giám sát đối với các cơ sở có tư cách pháp nhân, các hộ kinh doanh tại các chợ, siêu thị... Trong khi đó, đối với các cơ sở nhỏ lẻ, bán hàng rong hay đánh giày... không có địa điểm cố định, mức độ hoạt động không thường xuyên rất khó quản lý. Càng khó khăn hơn, khi nhiều hộ kinh doanh không có địa điểm cố định, bán hàng rong không phải là người tại địa phương hoặc các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh chỉ là các hộ nhỏ lẻ.
Trong bối cảnh thông tin nhanh nhạy như hiện nay, khi du lịch đã mở cửa toàn diện thì việc giữ gìn hình ảnh điểm đến an toàn, môi trường văn minh, lịch sự, không làm mất lòng du khách cần phải được chú trọng hơn. Việc giá cả từng sản phẩm được niêm yết và công khai minh bạch sẽ xây dựng uy tín cho thương hiệu cũng như hình ảnh của từng địa phương trong cả nước.
Theo đại diện một trung tâm mua sắm ở Đà Nẵng, việc giữ công khai minh bạch giá cả và bình ổn giá phải luôn được chú trọng. Điều này, giúp du khách khi tham quan du lịch sẽ có điểm đến uy tín để mua sắm những loại đặc sản địa phương với giá cả hợp lý, trực tiếp giúp du lịch địa phương phát triển. Từ đó, giúp từng thương hiệu, doanh nghiệp có thể ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Xung quanh những vấn đề này, ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu, Sở Du lịch, Sở Công Thương và UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của khách du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ. Các đơn vị cần đặc biệt chú ý các hành vi chèo kéo, đu bám, lừa đảo khách du lịch tại sân bay, ga tàu, bến xe, bến tàu và các khu vực tập trung đông người, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách của thành phố bên bờ sông Hàn.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng cũng phải đẩy mạnh việc phối hợp các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi nâng giá bất hợp lý và không niêm yết giá hàng hóa.
Về phía các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh cũng cần niêm yết và công khai minh bạch về giá, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn hình ảnh du lịch địa phương.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ
