Nạn đu bám, chặt chém du khách: Phải “đào tận gốc”
![]() | Chung tay bài trừ chặt chém |
![]() | “Chặt chém” ở phố cổ |
Mặc dù các cơ quan chức năng đã rà soát, xử lý những đối tượng “chặt chém”, lừa đảo du khách, nhưng đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phải điều chỉnh những hành vi phản cảm này từ gốc rễ nhận thức.
![]() |
Du khách quốc tế tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm |
Mới đây, Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm) phối hợp với Công an phường Hàng Bạc đã rà soát, xử lý 9 đối tượng có hành vi ép giá du khách quốc tế ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Các đối tượng này đã tìm cách chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua bánh hoặc đánh giày, sau đó thu tiền với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá chung (từ 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng). Trong nhóm này có nhiều đối tượng đã vi phạm nhiều lần.
Trước đó, giữa tháng 7, một lái xe taxi đã trả lại tiền thừa bằng đồng âm phủ khi chở hai vị khách người Tây Ban Nha đi từ quận Hoàn Kiếm đến một khách sạn trên địa bàn quận Long Biên. Không chỉ vậy, các đối tượng còn có chiêu trò “từ thiện” để lừa đảo du khách nước ngoài, thậm chí là cả khách du lịch trong nước.
Hồi tháng 2, Công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) đã xử phạt hành chính một đối tượng ép du khách mua một gói tăm với giá lên tới 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, đến tháng 9, đối tượng này lại tiếp tục lừa đảo bán tăm từ thiện tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Sau khi phát hiện vụ việc, cơ quan công an đã yêu cầu đối tượng này làm cam kết, đồng thời thông báo về địa phương để quản lý.
Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, những đối tượng chèo kéo, “chặt chém” du khách thường tụ tập thành một nhóm, bám theo khách du lịch ép mua hàng. Đồng thời lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ, không thông hiểu về hệ thống tiền tệ Việt Nam của du khách để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng còn lợi dụng thời điểm ngoài giờ hành chính để dễ bề hoạt động. Mặt khác, các đối tượng này thường không sinh sống trên địa bàn, nên rất khó xử lý.
Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe vì theo quy định, đối với những hành vi nêu trên lực lượng công an chỉ xử phạt hành chính.
Ngoài ra, những hành vi lừa đảo, “chặt chém”, chèo kéo du khách cũng khó có thể được xử lý kịp thời do người dân trong khu vực biết nhưng ít phản ứng, vì không muốn phiền hà. Nhiều du khách nước ngoài chỉ chia sẻ thông tin vụ việc sau khi về nước, do ngại va chạm, ảnh hưởng đến việc đi lại, tham quan, du lịch.
Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, nhiều đối tượng có hành vi bán hàng “chặt chém”, lừa đảo du khách nước ngoài đã tái phạm nhiều lần. Công an quận Hoàn Kiếm đã lập hồ sơ xử lý nhiều đối tượng, nhóm đối tượng có hành vi nêu trên theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, công an quận sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn hành vi xấu, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”, các hành vi gây mất trật tự nơi công cộng chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Nếu hành vi này được quy định theo hướng tăng nặng hình phạt hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tái phạm thì sẽ có tính răn đe, phòng ngừa cao hơn.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là các giải pháp phần ngọn, bởi khu vực hồ Hoàn Kiếm là “mảnh đất màu mỡ” do tập trung đông khách du lịch, nên nhiều người, dù đã bị phạt nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để bán hàng rong, kinh doanh trái phép tại đây. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, mấu chốt để Hà Nội luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn thì mỗi người dân phải là một "sứ giả" du lịch. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi người có nhận thức đúng đắn, có ý thức tôn trọng, quý mến du khách và tôn trọng nét đẹp của người Hà Nội phải được đặt lên hàng đầu.
Đồng quan điểm, Trưởng khoa Du lịch (Viện Đại học Mở Hà Nội) Vũ An Dân cho rằng: Xây dựng nền tảng ý thức cho mỗi người dân khi ứng xử với các hoạt động du lịch phải thay đổi hành vi từ gốc rễ nhận thức. “Muốn vậy, không chỉ Sở Du lịch Hà Nội, chính quyền các địa phương mà tất cả các tổ chức đoàn thể, chính trị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, còn người dân phải thực hiện nghiêm túc các văn bản, Bộ Quy tắc ứng xử như:
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo; Bộ Quy tắc văn minh du lịch của Bộ VHTT&DL; Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020...”, ông Dân nhấn mạnh.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao, sự phát triển ngành công nghiệp không khói sẽ lan tỏa, kéo theo tăng trưởng cho nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, tất cả các cấp, ngành, địa phương và người dân cần chung tay bảo vệ môi trường du lịch Thủ đô an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút ngày càng đông đảo du khách đến với Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ

TP. Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị cho đại lễ 30/4
