Nam Trung bộ oằn mình chống lũ
Tại tỉnh Bình Định, mưa lớn trong nhiều ngày qua làm nước dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn. Đỉnh lũ lần này tương đương trận lũ lịch sử năm 2016.
Theo chính quyền địa phương, tại các xã nằm ven đầm Thị Nại, cuối nguồn sông Côn và sông Hà Thanh như xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Chánh (huyện Phù Cát) bị ngập nặng. Nhiều nhà dân bị nước lũ ngập sâu hơn 1m. Trước tình hình này, chính quyền địa phương cho di dời dân ở những nhà ngập sâu lên tránh trú tạm ở những nhà cao hơn. Đồng thời, bố trí xuồng máy sẵn sàng di dời các hộ ở vùng nguy cơ cao lên ở tại các nhà văn hóa thôn và trường học an toàn.
![]() |
Hàng loạt khu dân cư trên huyện vùng cao Hoài Ân, tỉnh Bình Định, bị ngập sâu, chia cắt. (Ảnh: TTXVN phát) |
Riêng tại xã Phước Thắng có 1.121 nhà dân bị ngập từ 0,3 - 1m. Chính quyền địa phương đã thông báo cho ban nhân dân các thôn và trên đài truyền thanh xã về tình hình thời tiết, cảnh báo xảy ra lũ lớn, nhờ đó các hộ dân đã kê cao tài sản, đưa gia súc gia cầm lên cao, tránh được thiệt hại. Đồng thời, bố trí người già, trẻ em ở vùng ngập sâu di dời lên tạm trú tại những nhà cao ráo trong xóm.
Không riêng xã Phước Thắng, tại xã Phước Thuận đến sáng 30/11/2021, trên địa bàn xã có 6 thôn ven đầm Thị Nại bị nước lũ cô lập. Hiện cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn. Chính quyền xã đã cử lực lượng sử dụng ghe, xuồng và ca nô tiếp cận các khu vực này để kiểm tra và sẵn sàng khai phương án di dời dân đến nơi an toàn nếu nước lũ tiếp tục dâng cao.
Tương tự, tại xã Cát Chánh có 620 nhà dân bị ngập sâu nước lũ, trụ sở UBND xã ngập 0,3m, các lực lượng địa phương đã sử dụng ghe máy đến các vùng ngập sâu động viên hộ dân có nhà xây cao cho các hộ nhà ngập ở tạm. Chính quyền xã cũng chuẩn bị lương thực để hỗ trợ người dân nếu ngập lụt kéo dài…
Mưa lũ cũng khiến hàng chục ngàn học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định phải nghỉ học. Theo thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, đến sáng 30/11/2021, hơn 66.000 học sinh trên địa bàn không thể đến trường do mưa lũ diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học trực tiếp để đảm bảo an toàn. Trong đó, khối các trường mầm non, tiểu học, THCS, có 56.426 học sinh dừng đến trường. Cụ thể, huyện Phù Cát có 18.826 học sinh trên địa bàn các xã Cát Chánh, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Hải, Cát Khánh, Cát Minh, Cát Tài, Cát Sơn, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Thành và thị trấn Cát Tiến. Huyện Tuy Phước có 26.252 học sinh thuộc thị trấn Diêu Trì và các xã Phước Nghĩa, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hưng, Phước Hiệp.
Tương tự, tại thị xã Hoài Nhơn có 3.700 học sinh thuộc các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Phú, Hoài Sơn. Huyện Hoài Ân có 2.972 học sinh không thể đến trường thuộc các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ. Huyện Tây Sơn có 2.676 học sinh ở các xã Bình Hòa, Tây Vinh, Tây Bình, Bình Nghi, Tây Xuân. TP. Quy Nhơn có khoảng 2.000 học sinh thuộc xã Phước Mỹ, các phường: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú.
Khối trường THPT, có 6 trường với gần 10.000 học sinh không thể đến trường, phải tổ chức dạy học trực tuyến như: THPT số 2 Tuy Phước, THPT số 3 Tuy Phước, THPT Nguyễn Diêu, THPT số 3 Phù Cát, THPT Nguyễn Du, THPT Võ Giữ…
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định thống kê đến sáng 30/11/2021, Bình Đinh có hơn 16.500 căn nhà bị ngập; nhiều nhất là huyện Tuy Phước với gần 11.000 căn. Nhiều vùng trũng thấp giao thông chia cắt vì nhiều tuyến đường ngập sâu. Tại huyện miền núi An Lão, mưa lũ kéo dài đã gây sạt lở đất, lấp các tuyến đường liên xã, gây chia cắt đối với các xã An Toàn, An Vinh... Mưa lớn kéo dài, gây ngập sâu tại nhiều tuyến đường; tuyến đường ĐT639 bị ngập sâu nhiều đoạn chia cắt cả huyện An Lão với các địa phương khác. Nhiều cây cầu giao thông trọng yếu bị ngập sâu, sạt lở. Nhiều điểm sạt lở mới tiếp tục xuất hiện, chưa thể khắc phục...Mưa lũ cũng đã làm một người thiệt mạng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các lực lượng phải kịp thời thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Nhất là cảnh báo, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập lụt. Cùng với đó, kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men... đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch khi sơ tán dân ở các vùng ngập lụt sâu, bị chia cắt...
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
