Mỹ phẩm rởm “phù phép” thành hàng hiệu
Theo báo cáo từ L’Oréal Việt Nam, ước tính hiện có hơn 60.000 cửa hàng bán mỹ phẩm, nước hoa liên quan đến mỹ phẩm không thể xác minh nguồn gốc, thành phần trên mạng. Trong đó có 31.000 trường hợp liên quan đến các nhãn hàng cao cấp của Lancôme, YSL, Shishedo... trộn lẫn hàng thật và hàng giả.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nhiều trường hợp cá nhân hoặc công ty làm giả mỹ phẩm cao cấp kèm chương trình khuyến mãi lớn, hoặc với mức giá chỉ bằng 30% – 50% giá chính hãng bán trên các sàn thương mại điện tử hay các trang Facebook. Trong những trường hợp này, người bán sẽ quảng cáo là xả kho, hàng xách tay từ người nhà gửi về, hàng mua giảm giá từ nước ngoài có hóa đơn mua hàng... với cam kết bán hàng chính hãng 100%, giá rẻ hơn hàng thật khá nhiều, nhưng thực chất đây chỉ là hàng giả, hàng rởm được “phù phép” thành hàng hiệu. Thông thường, những loại hàng trá hình chỉ chuyên bán qua mạng do người mua không thể kiểm chứng nên rất dễ bị nhầm. Còn khi khách có nhu cầu đến để mua hàng trực tiếp, các cơ sở này thường vòng vo, tìm cách né tránh.
Chính vì vậy thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã liên tục tổ chức các đợt truy quét hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại trên địa bàn, nhất là vào những dịp cao điểm như lễ, tết. Theo đó, hàng nghìn mặt hàng thời trang, mỹ phẩm gồm quần áo, son phấn, nước hoa, đồng hồ, túi xách, kính mắt bị làm giả với đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới…
Đại diện Cục QLTT TP.HCM cho biết, cơ quan chức năng đã kiểm tra các điểm nghi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, thu giữ hàng ngàn sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh... Mặc dù vậy, sau mỗi đợt ra quân, truy quét, hàng giả, hàng nhái vẫn nhan nhản tại nhiều điểm buôn bán kinh doanh như: Saigon Square, Taka, Bến Thành, An Đông Palaza, thậm chí ngay tại các trung tâm thương mại có quy mô lớn trên địa bàn thành phố.
Một nguyên nhân chủ yếu khiến mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu nổi tiếng vẫn “sống khỏe” là bởi giá bán rất rẻ so với hàng chính hãng, trong khi về chủng loại, mẫu mã không thua kém nhiều so với hàng thật.
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, hàng giả, hàng nhái là vấn nạn, gây thiệt hại rất lớn về doanh thu, uy tín của doanh nghiệp, cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế. Nếu quy định không nghiêm, cơ quan quản lý lơ là, người tiêu dùng vẫn có tâm lý ham rẻ, sính ngoại, biết hàng giả mà vẫn mua đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả tiếp tục có đất sống. Bên cạnh đó, dù bị kiểm tra gắt gao nhưng hàng giả vẫn tung hoành vì lợi nhuận quá lớn.
Theo Tổng cục QLTT, việc quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho biết, mỹ phẩm giả, kém chất lượng trên thị trường cũng như nguyên liệu, hương liệu để sản xuất mỹ phẩm giả chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài được nhập lậu và xách tay về Việt Nam tiêu thụ. Có trường hợp mỹ phẩm nhập lậu vào Việt Nam còn chưa gắn nhãn mác giả mạo và khi pha chế, sang chiết, đóng gói mới được các đối tượng gắn nhãn hiệu nổi tiếng để đưa ra thị trường tiêu thụ. Không những vậy, các đối tượng còn lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không an toàn.
“Đối với mỹ phẩm nhập khẩu người mua nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng. Đồng thời, người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và gia đình”, ông Lê khuyến cáo.
Tin liên quan
Tin khác

Sáng 11/4: Giá vàng thế giới tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản vững chắc

Hà Nội mở bán một dự án nhà ở xã hội, giá bán chỉ từ 13,7 triệu đồng/m2

Sáng 10/4: Giá vàng thế giới tăng hơn 3% sau quyết định hoãn áp thuế của Mỹ

Sáng 8/4: Giá vàng thế giới chịu áp lực trước sự phục hồi của USD
![[Infographic] Tiêu dùng nội địa khởi sắc, giá cả ổn định](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/06/23/hoang-long20250406235705.jpg?rt=20250406235708?250407061122)
[Infographic] Tiêu dùng nội địa khởi sắc, giá cả ổn định

Sáng 5/4: Giá vàng thế giới lao dốc không phanh

Giá vàng thế giới tuần tới: Ổn định ở 3.050 USD/oz hay rơi tự do?
Triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa

Sáng 4/4: Giá vàng thế giới giảm do hoạt động chốt lời
