Một cây lớn vừa đổ bóng
Sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng khiến giới trong nghề, công chúng yêu điện ảnh, sân khấu nước nhà không khỏi xót xa dẫu vẫn biết đời người ai rồi cũng trải qua quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”. Đau buồn hơn, nền nghệ thuật nước nhà đã vừa mất đi một nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết và luôn cháy bỏng với nghiệp diễn mang tên Phạm Bằng.
![]() |
NSƯT Phạm Bằng (trái) và nghệ sĩ Giang Còi |
Sinh thời, NSƯT Phạm Bằng được đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật mến mộ bởi có lối diễn xuất nhập vai, ông có thể đảm nhận cả vai phản diện lẫn hài hước. Cuộc đời lão nghệ sĩ cũng có nhiều thăng trầm và biến cố bởi lúc còn bé thơ thì cha mất sớm, mẹ cũng không ủng hộ ông theo con đường nghệ thuật.
Tuy nhiên, Phạm Bằng vẫn kiên định theo đuổi đam mê trong suốt những năm tháng cuộc đời và qua đó ông để lại cho đồng nghiệp, thế hệ sau về một hình tượng người nghệ sĩ đã sống, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Trước đây, NSƯT Phạm Bằng từng chia sẻ với công chúng, có 2 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời ông chính là người mẹ tảo tần và người vợ hết lòng vì sự nghiệp của chồng mà bươn chải. Vợ của NSƯT Phạm Bằng đã mất cách đây hơn 10 năm. Chính vì thế với ông, việc đi diễn còn là cách để khỏa lấp những trống trải trong lòng.
Các con ông đều hết mực thương yêu ông, sát cánh và tạo mọi điều kiện tốt nhất để ông có thể tham gia đóng phim, diễn kịch. Về sau, để có thêm thu nhập cũng như muốn vơi đi sự trống trải của tuổi già, NSƯT Phạm Bằng mở quán bánh trôi tàu nổi tiếng tại số 30 Hàng Giầy - Hà Nội ngay tại nhà ông. Ông bán hàng cũng có duyên như diễn hài vậy nên quán lúc nào cũng đông khách.
Cuộc đời đến với nghệ thuật của NSƯT Phạm Bằng cũng có nhiều những “khúc cua”. Năm 1955, ông thi đỗ trường Cao đẳng Giao thông Công chính. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, Phạm Bằng đã không theo nghề kỹ sư cầu đường mà tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Năm 1959, Phạm Bằng đã được tuyển vào cả đoàn văn công Hà Nội và trường Đại học Sân khấu khóa I cũng nhận ông về đào tạo và Phạm Bằng quyết định vào đoàn văn công Hà Nội. Đến năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo được tách ra và bắt đầu đời sống riêng của mình. Tại đoàn kịch Hà Nội, Phạm Bằng tham gia các vở diễn và nổi tiếng với các vai phản diện.
Đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương và được nhiều người trong nghề đánh giá là một nghệ sĩ tài năng, đầy triển vọng. Đến nay, có rất nhiều vai diễn trên sân khấu của NSƯT Phạm Bằng đã đóng đinh trong lòng người hâm mộ. Đó là vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh) đến vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt).
Bởi những vai diễn xuất sắc đó, NSƯT Phạm Bằng đã đoạt huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và vai Thương trong “Mớ đời Thương”.
Tại lĩnh vực điện ảnh, NSƯT Phạm Bằng cũng đã để lại cho người hâm mộ với nhiều vai diễn cả ở góc độ hài hước lẫn phản diện. Đặc biệt, cách đây hơn chục năm, khán giả cả nước từng “say” NSƯT Phạm Bằng thông qua các vai diễn “sếp đầu hói” trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên kênh VTV3. Chính từ gặp nhau cuối tuần đã đưa tên tuổi NSƯT Phạm Bằng đến gần hơn với công chúng ở lĩnh vực điện ảnh, truyền hình.
Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, NSƯT Phạm Bằng đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng "hói" trong các tiểu phẩm trên truyền hình. Thời gian về sau sức khỏe suy yếu vì căn bệnh viêm túi mật, viêm gan, NSƯT Phạm Bằng vẫn miệt mài đi diễn bằng xe máy, mải miết trên những con đường nhỏ trên phố phường Hà Nội.
Diễn hài, mang tiếng cười cho thiên hạ, Phạm Bằng không đòi hỏi quá nhiều từ khán giả. Ông lấy làm vui vì luôn được người khác yêu mến, kính trọng, thậm chí coi như người thân. Sinh thời, chính bản thân NSƯT Phạm Bằng cũng không nhớ nổi ông đã đóng bao nhiêu vở kịch, tiểu phẩm, nhưng nhiều đồng nghiệp “kiểm kê” giúp ông là đã có trên dưới 300 vai diễn, cả trên sân khấu và truyền hình...
Trong quãng đời làm nghệ thuật cũng như khi lui về hậu trường, NSƯT Phạm Bằng luôn nhận được sự tin yêu, mến mộ và nể phục của đồng nghiệp nhiều thế hệ. Bởi thế, khi NSƯT Phạm Bằng qua đời, rất nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ từng đứng chung sân khấu, tham gia đóng phim với ông tỏ vẻ thương xót khôn nguôi.
Nghệ sĩ Chí Trung buồn bã: “Chúng cháu vĩnh biệt Bác, người nghệ sĩ của nhân dân”. Trong khi đó, nghệ sĩ Trà My đau xót “Đột ngột quá, chúng con lại mất đi một bậc tiền bối, một nghệ sĩ đáng kính… Vĩnh biệt bố! Người nghệ sĩ mà con luôn kính trọng...”.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ Giang Còi cũng không kìm nén được dòng cảm xúc và anh chia sẻ, nhìn người nghệ sĩ đã về hưu gần 30 năm, nhưng nói đến sàn diễn, được cống hiến cho khán giả, mắt chú (Phạm Bằng - PV) lại ánh lên một lòng yêu nghề, theo nghiệp.
“Tôi tự hỏi tại sao gần 90 tuổi rồi, chú không ở nhà cho con cháu chăm sóc, lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm để đến những nơi mà người dân nói tiếng Kinh còn chưa sõi vì gì nhỉ? Tiền ư? Thích đi phượt ư?... Tất cả chỉ có duy nhất một lời giải thích đó là vì công chúng” - nghệ sĩ Giang Còi tỏ lòng kính nể bậc cha chú Phạm Bằng vừa nằm xuống.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
