Miền Trung lại oằn mình trong mưa lũ
Tại Thừa Thiên - Huế, mưa to đến rất to đã làm lũ trên các sông Hương, sông Bồ vượt mức báo động 3, gây ngập lụt nhiều khu vực. Các tuyến đường lớn trong trung tâm TP. Huế như Trường Chinh, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều, Bến Nghé... bị ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 1,2 m.
Thương tâm nhất là việc 2 mẹ con tử vong và mất tích trong vụ lật ghe ở TP. Huế. Theo đó, sáng 15/11, 8 người dân từ phường Hương Sơ đi cùng 1 chiếc ghe do chị H.T.B. và con gái là N.T.H. trú ở địa phương chèo lái, đến chợ Phú Hậu (TP. Huế) để mua lương thực tích trữ. Trên đường trở về, qua khu vực Đập Hậu nằm trên địa bàn phường Hương Vinh, bất ngờ gặp nước lũ chảy xiết khiến ghe bị lật, cả người 8 người rơi xuống dòng nước lũ. Lực lượng chức năng cứu được 6 người, nhưng chị H.T.B. và con gái đều mất tích. Đến đầu giờ chiều, thi thể chị B. đã được tìm thấy.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 16.345 ngôi nhà bị ngập từ 0,3-0,6m, có nhà bị ngập trên 1m. Các địa phương tiến hành di dời khẩn cấp 8.800 người dân vùng thấp trũng đến nơi tránh trú an toàn.
Quốc lộ 1A, quốc lộ 49B và các tuyến tỉnh lộ 4, 6, 8C, 9, 11B... nhiều đoạn bị ngập sâu 1m, giao thông ách tắc. Tuyến đường sắt qua Thừa Thiên - Huế có nhiều đoạn bị ngập nặng khiến nhiều đoàn tàu bị kẹt, phải nằm chờ tại các ga lân cận. Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Sở Giáo dục - đào tạo Thừa Thiên - Huế quyết định cho tất cả học sinh nghỉ học đến ngày 17/11.
![]() |
Miền Trung 'đến hẹn lại lên', bà con trong khu vực đang phải oằn mình trong mùa mưa lũ |
Tại Quảng Trị, thống kê sơ bộ ban đầu mưa lũ trong những ngày qua đã khiến hơn 1.300 ngôi nhà bị ngập, tập trung ở hai huyện Hải Lăng, Cam Lộ và TP. Đông Hà. Mưa cũng gây ngập lụt cục bộ một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông. 3 huyện Đắk Rông, Triệu Phong, Hải Lăng nhiều nơi vẫn đang bị ngập sâu. Lũ trên các sông khu vực Quảng Trị đang lên, tiềm ẩn nguy cơ ngập úng cục bộ vùng thấp trũng, ven sông suối, các ngầm tràn qua khe suối ở khu vực miền núi, ngập lụt vùng thấp trũng hạ lưu sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu…
Trong khi đó, tại Quảng Nam mưa lớn suốt những ngày qua kết hợp với nhiều thủy điện xả lũ đã khiến mực nước trên các sông lớn trên địa bàn huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An… dâng cao, chia cắt nhiều khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Mưa lớn cùng với lượng nước đổ về từ thượng nguồn khiến vùng trũng, thấp ở phố cổ Hội An trở thành ‘rốn lũ’. Mưa lớn, nước sông Hoài dâng cao, gây ngập một số tuyến đường trong phố cổ như: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ. Trong đó, tuyến đường Bạch Đằng trải dài men sông Hoài ngập sâu từ 0,5 đến 0,7 m. Tại khu vực đầu cầu An Hội - cây cầu bắc qua sông Hoài, chính quyền đã phải dựng rào chắn, giăng dây ngăn các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
![]() |
Nước lũ lên nhanh, cơ quan chức năng ở Đại Lộc (Quảng Nam) phải cấm các phương tiện qua lại trên sông Vu Gia |
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ ở miền Trung, ngày 15/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dký ban hành Công điện số 1095 của Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
Theo đó Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và TP. Đà Nẵng, theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, đồng thời triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; bảo đảm an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản.
Các địa phương cần huy động lực lượng rà soát, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối hay khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Căn cứ tình hình cụ thể, các địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại những khu vực xảy ra ngập lụt…
![]() |
Cơ quan chức năng cảnh báo, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... có khả năng lên lại |
Theo bản tin 3h30 sáng nay (16/11/2023) của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) đã đạt đỉnh và xuống chậm, đỉnh lũ tại Phú Ốc 4,99m, trên báo động 3 là 0,49m. Hiện tại, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế đang xuống và vẫn ở mức trên báo động 3; mực nước trên sông Vu Gia (Quảng Nam) và sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đang lên; các sông ở Quảng Trị, từ Quảng Nam đến Phú Yên có dao động.
Cảnh báo, từ nay đến 17/11/2023, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Trên các sông ở Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 đến báo động 2, có sông trên mức báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại từ Quảng Trị đến Phú Yên. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
