agribank-vietnam-airlines

Mang vốn ưu đãi ra đảo tiền tiêu

Trần Thị Thu Trang
Trần Thị Thu Trang  - 
Xã biên giới hải đảo Thổ Châu nằm cách thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang 101 km đường biển. Thổ Châu nằm gần vùng lãnh hải quốc tế, có điểm A1 trên đường cơ sở tính lãnh hải của Việt Nam. Giao thông đi lại khó khăn, bà con nơi đây cần vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Hơn 10 năm qua, duy nhất chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp cận được với bà con, đem tới nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp.
aa

Nằm trong vùng biển Tây nam của Tổ quốc, xã đảo Thổ Châu có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Ngày 15/2/1993, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 96/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo xã mới Thổ Châu lâm thời; đồng thời, tổ chức đưa dân ra đảo để sinh sống. Ngày 24/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 19-CP về việc thành lập xã Thổ Châu, thuộc huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang, có diện tích tự nhiên là 2.634 ha. Khi mới thành lập, dân số của xã Thổ Châu chỉ có 94 nhân khẩu, đến nay toàn xã có chỉ có 1 ấp với 551 hộ dân, 1.904 nhân khẩu.

Biển hiệu điểm giao dịch xã Thổ Châu
Điểm giao dịch xã Thổ Châu - địa chỉ quen thuộc của bà con vay vốn ưu đãi

Vốn ưu đãi - "chắp cánh" cho nhiều mô hình sản xuất

Gia đình chị Lê Thị Ngọc Lâm là một trong những người dân đầu tiên ra Thổ Châu sinh sống, lập nghiệp. Chị Lâm kể, do nằm cách xa đất liền, giao thông đi lại khó khăn, 5 ngày mới có một chuyến tàu khách từ Phú Quốc ra đảo (tàu Thổ Châu 9), bà con có nhu cầu sử dụng vốn phải vay cá nhân, lãi suất cao. Chỗ ít thì cũng 100 nghìn tiền lãi cho một tháng với 1 triệu tiền vay. Nhưng gần 15 năm nay, tháng nào Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phú Quốc cũng ra tận đảo phục vụ bà con trong các phiên giao dịch hàng tháng. Nhờ vậy, bà con trên đảo được tiếp cận nguồn vốn chính sách lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản gọn nhẹ, được phục vụ ngay tại nơi sinh sống, không mất công, mất thời gian đi vào Phú Quốc.

Lấy chồng bộ đội đóng quân tại Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chị Nguyễn Thị Hoa theo chồng ra xã đảo lập nghiệp. Cuộc sống ở xã hải đảo tiền tiêu khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng bù lại ấm áp tình người. Vốn bản tính chẳng ngại khó khăn, gian khổ của người con gái quê biển miền Trung, chị Hoa gom vốn, vay mượn bạn bè để kinh doanh buôn bán hải sản khô. Tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ xã, năm 2021, chị Hoa được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Số tiền với lãi suất thấp được chị Hoa đầu tư mua ngay mực, tôm về phơi khô chờ được giá. Theo chị Hoa, chỉ có vay Ngân hàng Chính sách xã hội mới hợp với người dân ở đây, lãi thấp, thủ tục đơn giản, không phải thế chấp tài sản, đã thế chỉ việc yên tâm ở đảo làm ăn, hàng tháng cán bộ ngân hàng từ Phú Quốc ra tận nơi giải ngân vốn, thu lãi, hết sức thuận tiện.

Hiện tại với nguồn vốn gia đình tích cóp và khoản vay 40 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội đổ vào kinh doanh, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng chị Hoa cũng thu về 10 triệu đồng. Từ chỗ là khách hàng vay vốn, nhờ biết cách làm ăn lại cũng chịu khó tìm hiểu, chị Nguyễn Thị Hoa được bầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, góp phần đem nguồn vốn tín dụng chính sách tới tận tay những người dân trên đảo.

Chị Nguyễn Thị Hoa và cán bộ tín dụng ngân hàng chính sách xã hội
Chị Nguyễn Thị Hoa và cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phú Quốc

Cũng ở xã đảo Thổ Châu này, chị Nguyễn Thị Hằng ở ấp Bãi Ngự không chỉ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi cá lồng bè, còn vay cả vốn để làm công trình nước sạch và vệ sinh. Khi cô con gái thứ 2 nhận được giấy báo trúng tuyến đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, đang không biết xoay đâu ra tiền cho con đi học thì chị Hằng được cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội phổ biến về chương trình cho vay học sinh sinh viên. "Nếu không có nguồn vốn lãi suất ưu đãi này, gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, nuôi con học hành", chị Hằng tâm sự.

Khắc phục mọi khó khăn để mang vốn cho bà con vay

Hiện nay Thổ Châu có 5 tổ tiết kiệm và vay vốn của ngân hàng chính sách với 285 hộ vay, dư nợ 10.362 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phú Quốc cho biết, ở Thổ Châu đang thực hiện 5 chương trình tín dụng là: Hộ nghèo; Hộ Cận nghèo; Học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167; Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm là 7.538 triệu đồng, chiếm tỳ trọng 72,75% tổng dư nợ.

Chị Huyền kể, hàng tháng, cứ đúng ngày 20 là các cán bộ tín dụng lại có mặt tại Thổ Châu để giúp bà con thuận lợi trong giao dịch ngân hàng. Cách Phú Quốc 67 hải lý, bình thường, biển lặng trời êm, từ Phú Quốc mất 5h để ra tới Thổ Châu. Hôm nào sóng to, gió lớn thì lênh đênh trên biển 8-9h là chuyện bình thường. Thậm chí có lúc thời tiết xấu, tàu ra đảo không quay về theo đúng lịch, cán bộ ngân hàng phải ăn ở trên đảo vài ngày cho đến cả tuần. Phiên giao dịch tại xã Thổ Châu được thực hiện từ 16h30 đến 17h30 ngày 20 hàng tháng. Và dù lịch đi tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu và quay về là 3 ngày nhưng các cán bộ tín dụng luôn trong tư thế sẵn sàng giải ngân bởi có khi tàu vừa ra đảo vài tiếng sau đã phải quay về vì có ca bệnh cấp cứu.

Phiên giao dịch xã tại Thổ Châu
Phiên giao dịch xã tại Thổ Châu

Với người bình thường, khỏe mạnh đi tàu đã mệt thì với chị em phụ nữ say sóng, mỗi chuyến đi ra đảo là cả một thử thách. Thế nhưng hơn 10 năm qua, chưa tháng nào, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phú Quốc bỏ một phiên giao dịch xã tại Thổ Châu, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi vất vả để mang vốn Chính phủ cho bà con xã đảo vay đủ, góp phần thay đổi bộ mặt của xã đảo tiền tiêu.

Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Hồ Thị Giao Ha đánh giá: Với một địa phương ở xa, việc làm không ổn định, thu nhập không đảm bảo, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách những năm qua mà bà con có công ăn việc làm, bám trụ tại đảo, đa số các em học sinh vay vốn ra trường có việc làm, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đã đạt 33 triệu đồng/năm. Đời sống của nhân dân cơ bản được ổn định và nâng lên, hộ giàu, khá được nâng lên, hộ nghèo ngày một giảm, không còn hộ đói, nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm 70%.

Sau 30 năm thành lập (1993 - 2023), xã Thổ Châu đang từng bước phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò xã đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Quần đảo Thổ Chu hay quần đảo Thổ Châu nằm trong vịnh Thái Lan, ở phía tây nam đảo Phú Quốc và được xem là cực tây nam của Việt Nam. Toàn bộ quần đảo này cấu thành xã đạo Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đảo Thổ Chu là đảo lớn nhất trong quần đảo, nằm cách bờ vịnh Rạch Giá (Kiên Giang) 198 km.
Trần Thị Thu Trang

Tin liên quan

Tin khác

Tín dụng chính sách đưa đường cho "Đảng viên đi trước"

Tín dụng chính sách đưa đường cho "Đảng viên đi trước"

Những ngày này khi hoa đào, hoa mơ nở rắng núi rừng Tây Bắc, cũng là “Tết ấm no, Xuân hạnh phúc” đang tràn ngập khắp các bản làng, thôn quê của cả nước, trong đó có cả những thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên ở Bản Ké, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang). Bởi ở đó, có những đảng viên đi trước, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đã và đang góp phần thay đổi bộ mặt quê hương từ đồng vốn chính sách của Đảng.

Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân”

Ngày 26/12, tại trụ sở NHNN, Thời báo Ngân hàng đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân”.

Tín dụng chính sách xã hội đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Hiệu quả của tín dụng chính sách đem đến không chỉ là giá trị kinh tế mà hơn cả là những vấn đề xã hội được giải quyết, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo, người yếu thế đã từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trên cơ sở hòa hợp ý đảng, lòng dân.

Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng dân – kết nối sức mạnh - phát triển bền vững

“Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nhưng dân là gốc, là chủ” Theo Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thì nhất định phải có Đảng cộng sản theo lý luận đảng kiểu mới của Lênin lãnh đạo. Không có Đảng lãnh đạo, cách mạng không thể thắng lợi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững cần phải có nhiều nhân tố, trong đó đặc biệt là mối quan hệ Đảng với Dân. Nói đến dân là nói đến tài dân, sức dân, của dân, lòng dân, quyền dân, toát ra từ đó quyết tâm, đồng tâm, tín tâm, sự hăng hái, khôn khéo, sáng tạo, anh hùng. Ở Việt Nam chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước và phong trào yêu nước luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đại của dân tộc.

Tín dụng chính sách: Khơi dậy ý chí thoát nghèo ở Tuần Giáo

Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tuần Giáo được triển khai hiệu quả đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước nâng cao đời sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tín dụng chính sách: Sức bật kinh tế cho người dân tộc thiểu số tại huyện Bình Liêu

Bình Liêu – vùng đất miền núi yên bình, nằm bên biên giới Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, nơi hơn 96% dân số là người dân tộc thiểu số, đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Kết quả này không thể đạt được nếu thiếu sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng các cấp chính quyền địa phương, với tín dụng chính sách đóng vai trò chủ lực, giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Tín dụng chính sách xã hội tiếp sức cho công cuộc giảm nghèo bền vững và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của Ngân hàng chính sách xã hội trong việc nhận nguồn vốn ủy thác để cho vay Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Tiểu Cần: Hiệu quả tín dụng chính sách từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đỉnh có thu nhập thấp, nhiều hộ khó khăn tự vươn lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chính sách xã hội ở nước ta thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tín dụng chính sách là “điểm sáng” trong giảm nghèo

Trong năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội được Ủy ban về các vấn đề xã hội đánh giá là đã “tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng…”.

Chính sách mang ý Đảng, lòng dân

Thành tựu 30 năm đổi mới đã ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng và bước vào một giai đoạn phát triển mới, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế tiến tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy vậy Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp của thế giới, Theo quy luật khoảng cách giầu nghèo sẽ càng nới rộng hơn trong nền kinh tế thị trường
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data