Luồng xanh lưu thông hàng hóa: Ưu tiên nhưng không buông lỏng
Theo đó, luồng xanh ưu tiên cho xe qua nhưng không có nghĩa buông lỏng phòng chống dịch. Các doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc hành trình di chuyển của lái xe, để từ đó có thể kiểm tra, xử lý nghiêm nếu lái xe không đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Doanh nghiệp đau đầu vì quy định mỗi nơi một khác
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết trong thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh thì mỗi nơi một khác, điều này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đối với doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vận tải đường bộ đang ở trong tình trạng kiệt quệ sau hơn 1 năm chịu tác động của COVID-19.
Đơn cử như quy định khác nhau về thời hạn và loại giấy xét nghiệm COVID-19, trong khi một số tỉnh chỉ yêu cầu giấy xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh thì một số địa phương khác lại chỉ chấp nhận giấy âm tính xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, và thời hạn cũng khác nhau khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đội thêm chi phí.
Với công ty có 150 lái xe, ông Nghĩa cho biết hiện hàng tháng doanh nghiệp phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại để đáp ứng yêu cầu của các địa phương - một chi phí khủng khiếp.
![]() |
Các doanh nghiệp gặp khó vì quy định phòng, chống dịch mỗi nơi một khác. Ảnh: ST |
Cũng trong tình trạng này, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Việt Trung, cho biết không chỉ các địa phương đưa ra quy định không đồng nhất mà ngay cả các khu công nghiệp, nhà máy cũng có quy định khác nhau.
Theo ông Hào, có khi cùng một chuyến hàng nhưng lái xe phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR những hai lần. Như vậy, thống kê sơ bộ với 100 lái xe đang hoạt động của doanh nghiệp cho thấy chi phí xét nghiệm mỗi tháng lên tới 1 tỷ đồng.
Một điểm nữa là khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp.
Ông Nghĩa đưa ra ví dụ, tại Hải Phòng từ ngày 18-20/7, 3 cửa ngõ đi vào địa phương này bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các địa phương khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi phải nằm chờ.
Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.
Quy định về con người và phương tiện với một số nhà máy tại Hải Dương hay Bắc Ninh là cấm biển số xe đến từ các vùng dịch cũng gây khó khăn. Theo các doanh nghiệp, rõ ràng chủ thể gây lây lan dịch bệnh là con người chứ không phải phương tiện, do đó cần phải xem xét lại.
Trước khó khăn của các doanh nghiệp, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết khi các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 16, Bộ đã nhanh chóng thiết lập luồng xanh vận tải để đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Luồng xanh là các phương tiện được đi trên một số tuyến giao thông cụ thể và trên tuyến đó sẽ được tạo điều kiện thuận tiện để lưu thông. Việc cấp thẻ nhận diện để các phương tiện lưu thông luồng xanh được các Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện.
Hệ thống này thông qua phần mềm quản lý, doanh nghiệp không phải đến cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ cần gửi thông tin qua email, zalo và sẽ nhận được kết quả trực tuyến.
Hiện nay, trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ và theo báo cáo từ các Sở Giao thông vận tải địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 phương tiện lưu thông bằng giấy nhận diện luồng xanh.
Vừa chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa
Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc cấp thẻ ưu tiên trên luồng xanh vận tải hàng hóa đã giúp các phương tiện kết nối luồng xanh địa phương và quốc gia, từ đó lưu thông thuận tiện, nhanh chóng hơn, không xảy ra ùn tắc.
Tại Hà Nội, hiện đã có 22 chốt kiểm dịch trên các tuyến đường cửa ngõ. Riêng chốt trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các lực lượng đã bố trí chốt trực trước trạm thu phí giáp hướng Hà Nam về Hà Nội để hướng dẫn phương tiện không thuộc diện dán thẻ ưu tiên quay đầu luôn, phương tiện đã dán nhãn nhận diện luồng xanh được hướng dẫn cho đi giúp thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho lái xe.
![]() |
Các địa phương đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa lưu thông hàng hóa, nguyên liệu phục vụ đời sống và sản xuất. Ảnh: ST |
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng thông tin, có 3 số đường dây nóng để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giúp phương tiện vận tải được lưu thông thuận tiện nhất.
Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cũng cho biết hiện nay, xe đang được lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP. Hải Phòng và không còn ùn tắc giao thông. Sở đã chủ động tham mưu với thành phố, đối với những xe đi từ vùng có dịch về sẽ đi theo luồng riêng và kiểm soát phiếu xét nghiệm COVID-19; đối với những xe đi từ các tỉnh, thành phố khác, không phải vùng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, thì các chốt kiểm soát dịch bệnh ra vào thành phố sẽ không kiểm soát.
Ngoài ra, tỉnh này cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe, bãi xe bố trí nơi xét nghiệm COVID-19 và trả kết quả ngay trong vòng không quá 20 phút, tạo thuận lợi cho lái xe, phụ xe, những người thực hiện nhiệm vụ lưu thông hàng hoá.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền, luồng xanh ưu tiên cho xe qua nhưng không có nghĩa buông lỏng phòng chống dịch. Đây là tiêu chí bắt buộc với xe luồng xanh, vì vậy các doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc hành trình di chuyển của lái xe để từ đó có thể kiểm tra, xử lý nghiêm nếu lái xe không đảm bảo quy định phòng chống dịch. Bởi mỗi lái xe đều có thể có rủi ro khi đi vào vùng dịch, có thể là tác nhân đưa mầm bệnh ra cộng đồng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp luồng xanh do Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng là một trong những giải pháp tốt để tháo gỡ ách tắc trong lưu thông hàng hoá, cũng như việc phân loại đối tượng shipper để tạo điều kiện cho hoạt động giao hàng thiết yếu. Nó cho thấy đã có sự điều chỉnh linh hoạt trong hoạt động chống dịch tại các địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 nên có hướng dẫn thống nhất để tránh tình trạng mỗi địa phương áp dụng quy định chống dịch theo một kiểu, góp phần tạo ra sự bình ổn và lưu thông hàng hoá tốt hơn.
Dịch bệnh dự báo còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy cần sự vào cuộc các bộ, ngành, địa phương, làm sao đảm bảo công tác chống dịch nhưng cũng phải trên cơ sở phân tích, tính toán khoa học để thực hiện mục tiêu kép Chính phủ đã đề ra.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
