Liều lĩnh cát tặc
Nguyên nhân, do từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh nhu cầu cát xây dựng trên thị trường tăng cao. Kéo theo đó, hoạt động khai thác cát cũng diễn ra liều lĩnh hơn, công khai hơn. Khai thác cát trái phép rồi đưa đi bán đang có mức thu nhập “khủng”.
Các đối tượng chỉ việc đầu tư tàu, thuyền hoặc sà lan rồi hút trộm cát mang đi bán mà không phải chịu thuế. Tính trung bình mỗi thuyền hút trộm được khoảng 50m3 cát, trừ hết chi phí xăng dầu, cũng được khoảng 3 triệu đồng. Lợi nhuận cao, có đối tượng thực hiện 2, 3 chuyến trong mỗi đêm.
![]() |
Cát tặc ngày càng hoạt động công khai, liều lĩnh |
Kỳ Xuân một trong những điểm nóng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Anh. Vấn nạn cát tặc bắt đầu xuất hiện ở đây từ đầu năm 2012. Nhưng đến thời gian gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng có quy mô, liều lĩnh hơn. Nhiều người dân ở Kỳ Xuân đã nhiều lần phản ánh với báo chí, lẫn cơ quan chức năng về tình trạng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường vùng biển nơi đây.
Ông Nguyễn Thành Chung, Trưởng Công an xã Kỳ Xuân cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40 thuyền khai thác cát có sức chứa 20 - 30m2 từ huyện Cẩm Xuyên sang đây hút trộm cát. Các thuyền thường xuyên tập trung khai thác cát, ở các điểm ven bờ và gần các ghềnh đá... Công an xã đã huy động lực lượng ngăn cản nhưng không có hiệu quả.
Bởi, các đối tượng khai thác cát trái phép rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Thậm chí, có trường hợp các đối tượng đã dùng dao, rựa chống trả các công an viên, xô đẩy cán bộ, chiến sĩ rơi xuống biển, rất may không xảy ra án mạng. Cũng theo ông Chung, đối tượng khai thác cát chủ yếu đến từ các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Phúc, Cẩm Hà thuộc huyện Cẩm Xuyên, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên biển.
Trước đó, cũng trên địa bàn Kỳ Anh, vào thời điểm siêu dự án Formosa ở khu kinh tế Vũng Áng đang cần một khối lượng cát khổng lồ để xây dựng, dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra nhức nhối tại các xã như: Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng. Con sông Rào Trổ đi qua các địa phương này đã bị “rút ruột” một cách không thương tiếc.
Có những đoạn sông bị cát tặc tập trung hút cát như một đại công trình. Điểm nóng nhất tại xã Kỳ Thượng máy xúc, xe tải đang hoạt động nhộn nhịp công khai. Nước sông lúc nào cũng đục ngầu, ô nhiễm… Đặc biệt, nạn cát tặc đã gây nên tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên bờ.
Liều lĩnh công khai hơn, để khai thác cát lậu, các đối tượng còn ngang nhiên khai thác cát trái phép trong khu vực rừng phòng hộ ở Kỳ Anh. Mới đây, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 9 xe tải có trọng tải từ 2,5 tấn đến 3,5 tấn đang khai thác cát trái phép ở khu vực rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Kỳ Phương.
Tại cơ quan chức năng, các chủ xe khai nhận đã lợi dụng đêm tối nhằm qua mắt các lực lượng chức năng phát hiện để khai thác cát trái phép. Hầu hết, những chủ phương tiện trên chủ yếu trú tại huyện Kỳ Anh. Việc khai thác cát trái phép trong khu vực rừng phòng hộ đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và cảnh quan bờ biển, đặc biệt ảnh hưởng tới con đường quốc phòng ven biển nối liền Cẩm Lĩnh - Vũng Áng…
Điều đáng nói, trước sự liều lĩnh, hoạt động ngang nhiên của các đối tượng cát tặc, thì việc đối phó của các cơ quan chức năng trên địa bàn Kỳ Anh còn nhiều lúng túng, do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện, thiếu sự phối hợp… Trở lại với câu chuyện cát tặc ở Kỳ Xuân, mặc dù chính quyền địa phương đã có thông báo gửi các xã lân cận đề nghị phối hợp ngăn chặn nhưng không có hồi đáp, tình hình không được cải thiện.
Do vậy, để ngăn chặn cát tặc, chính quyền xã đã tự bỏ tiền thuê thuyền ra xử lý và truy đuổi, nhưng do lực lượng ít, kinh phí hạn hẹp và chủ thuyền cũng ngại cho thuê vì sợ va chạm với các thuyền cát tặc, nên để xử lý được cũng rất khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân thừa nhận, để giải quyết vấn nạn này, UBND xã đã đưa vấn đề ra tại cuộc họp giao ban cụm tuyến an toàn làm chủ liên huyện Kỳ Anh - Cẩm Xuyên. Chính quyền cũng đã cố gắng để xử lý tình trạng này, nhưng rất khó ngăn chặn. Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng chức năng mới chỉ bắt giữ và xử phạt hành chính có 7 trường hợp.
Trong khi, lượng tàu thuyền ra vào hút trộm cát ở đây ngày càng gia tăng, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương... Hiện, dư luận đang mong chờ các cơ quan chức năng ở Kỳ Anh có sự vào cuộc quyết liệt hơn để sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, đang ngày đêm diễn ra khá phức tạp trên địa bàn.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
