Lạm thu các quỹ tại trường học: Cần giải quyết từ gốc
Nạn lạm thu được phát hiện ở nhiều cơ sở
Mới đây, phụ huynh trường tiểu học Quảng Phú 2 (TP. Quảng Ngãi) được giáo viên thông báo số tiền phải đóng đầu năm học là hơn 1,2 triệu đồng, trong đó có một số khoản thu ngoài quy định. Đối với học sinh học bán trú, phụ huynh còn phải nộp thêm tiền ăn 820 nghìn đồng/tháng/học sinh. Nếu là học sinh lớp 1 học bán trú, tổng số tiền phải đóng của phụ huynh lên tới 4,36 triệu đồng. Sau khi có đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng, nhà trường cũng thừa nhận có những khoản thu sai với quy định và chấm dứt thu các khoản này, hoàn trả lại số tiền thu sai cho phụ huynh học sinh.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 9/2022, phụ huynh học sinh Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) đã phản ánh về một số khoản thu đầu năm học tại trường, trong đó, trường tổ chức thu gộp cả năm học đối với nhiều khoản dẫn đến tổng mức thu trong tháng 9 lên đến gần 6,4 triệu đồng/học sinh.. Sau khi có phản ánh của phụ huynh, hiệu trưởng trường này đã gửi thư đến toàn bộ cha mẹ học sinh đính chính về hình thức triển khai đối với một số khoản thu, đồng thời dừng việc tiếp nhận tài trợ tại cơ sở giáo dục.
![]() |
Tình trạng lạm thu các quỹ tại trường học đã và đang xảy ra ở một số địa phương |
Ngoài ra, một số phụ huynh cũng phản ánh, ngoài các khoản chi phí chính thức, phụ huynh còn phải đóng thêm hàng loạt các khoản phí phát sinh như tiền ký quỹ, chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, tiền máy lạnh, sổ liên lạc điện tử… Ngoài ra, đối với những học sinh học trái tuyến, phụ huynh còn phải đóng góp thêm một số khoản phí làm nhà xe, nâng cấp sân trường, làm bồn hoa, mua tivi, sắm trang thiết bị dạy học… Mỗi lần đọc danh sách dự toán thu/chi, dù rất bức xúc nhưng sợ làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của con em mình nên nhiều phụ huynh đành “nhắm mắt” cho qua.
Cần xử lý nạn lạm thu từ gốc
Trước tình trạng trên, các cơ quan quản lý giao dục đã nhanh chóng vào cuộc. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản chấn chỉnh công tác thu - chi đầu năm học 2022-2023, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không sử dụng các khoản kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích như trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp…
Tương tự, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng. Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể hội đồng sư phạm, tất cả phụ huynh và học sinh toàn trường; các cơ sở giáo dục không được quy định khoản thu quỹ hội phụ huynh trường; giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh để thu quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu quỹ lớp.
Đặc biệt, vào đầu mỗi năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục không để xảy ra tình trạng lạm thu; văn bản số 4255 của Bộ hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022 – 2023 cũng nêu rõ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động dạy thêm, học thêm, hoạt động thu chi đầu năm học, việc thực hiện tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55, tuyệt đối không tổ chức thu các khoản thu ngoài quy định.
Quy định đã có nhưng theo nhiều chuyên gia, để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu tại trường học cần phải giải quyết tận gốc các vấn đề. Việc huy động hỗ trợ việc học tập của học sinh là điều đáng hoan nghênh nhưng cần loại bỏ các khoản thu phát sinh dưới danh nghĩa “ủng hộ”, “đóng góp”… tùy từng hoàn cảnh, sức đóng góp của phụ huynh chứ không cào bằng và quy định số tiền tối thiểu; Ban đại diện cha mẹ học sinh cần hoạt động theo đúng “tôn chỉ, mục đích” là nơi thể hiện tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của phụ huynh, học sinh; Cùng với đó, phải xử lý nghiêm theo quy định hiện hành các cá nhân có trách nhiệm để xảy ra tình trạng lạm thu, thu chi không minh bạch. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ kinh phí cần được xem xét, thay đổi cho hợp lý.
Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng lạm thu tại trường học, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang thành lập các đoàn kiểm tra công tác thực hiện nhiệm vụ đầu năm học mới tại một số địa phương trên cả nước, trong đó có chú trọng đến vấn đề thu chi đầu năm học. Bộ không chỉ trực tiếp kiểm tra, thanh tra mà còn yêu cầu thanh tra của các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc thanh kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất theo hướng dẫn từ đầu năm học; tiếp nhận thông tin qua phản ánh của người dân và các phương tiện truyền thông để yêu cầu các sở xác minh thông tin, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có. Bộ cũng sẽ theo dõi và chỉ đạo sát sao quá trình xử lý các vi phạm ở cơ sở, đảm bảo không có tình trạng chỉ ra văn bản rồi để các nơi thực hiện như thế nào cũng được.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
