Làm thế nào bảo vệ bờ biển Hội An?
Những đợt mưa bão vừa qua đã làm sạt lở nghiêm trọng tại các địa bàn miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.
Đặc biệt, cơn bão số 13 tuy chỉ lướt qua vùng biển Quảng Nam, nhưng triều cường cùng sóng biển cao đã ăn sâu vào bờ biển hàng chục mét khiến nhiều nhà cửa bị sụt lở nghiêm trọng. Sóng to gió lớn liên tục công phá, quật sập dãy nhà hàng của 7 hộ dân ven biển, phường Cẩm An và Cửa Đại (TP. Hội An).
![]() |
Chỉ sau một đêm, nhiều hộ dân ở khu vực bờ biển An Bàng bỗng dưng trắng tay |
Theo lãnh đạo UBND TP. Hội An, trong đêm 14 rạng sáng 15/11/2020, do ảnh hưởng của bão số 13, vùng biển Hội An có gió lớn. Từng đợt sóng cao vỗ dồn dập vào bờ khiến kè mềm được dựng bằng hàng nghìn bao cát bị đánh toạc. Nhiều cây dừa chắn sóng cũng bị quật trơ gốc, nằm ngả nghiêng. Hiện toàn bộ đoạn bờ biển kéo dài tầm 8 cây số từ bãi tắm An Bàng đến Cửa Đại đều lâm vào tình trạng sạt lở, nghiêm trọng nhất là bãi tắm Cửa Đại.
Nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực này chia sẻ, biển Cửa Đại vốn dĩ bị xâm thực từ nhiều năm qua, trong đợt bão số 9, triều cường tiếp tục làm tan hoang. Còn biển An Bàng vốn là biển chính cho du lịch của Hội An, thế nhưng chỉ sau 1 đêm, cơn bão số 13 đã khiến nơi đây trở nên hoang tàn…
Tại một số nhà hàng ven biển Cửa Đại, mặc dù có đê mềm bằng bao tải địa kỹ thuật ngăn nhưng sóng biển vẫn tràn qua, khoét sâu vào tường tạo thành những hố sâu… Mặc dù, trước đó, chính quyền phường Cửa Đại (TP. Hội An) đã huy động hàng chục dân quân tự vệ và người dân đắp bao cát gia cố làm đê mềm chắn sóng.
Thực tế cho thấy, những năm qua, khu vực biển Cửa Đại kéo dài đến bãi biển An Bàng là khu vực bị xâm thực nghiêm trọng. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ xem xét tìm giải pháp để ứng phó với thực trạng xói mòn, sạt lở tại đây. Nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Theo các chuyên gia, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn tiến không theo quy luật. Ví như trước năm 2000, bờ biển Cửa Đại xuất hiện hiện tượng bồi lấp, sau thì xu hướng nghiêng về sạt lở. Quá trình sạt lở, biển xâm thực lan dần từ Nam lên Bắc, phạm vi ảnh hưởng ban đầu khoảng 0,5km. Nhưng gần đây, khu vực xói lở nặng nề diễn ra ngày càng phức tạp, kéo dài khoảng 2km, khu vực khách sạn Palm Garden lan lên phía bắc khoảng 1km. Theo UBND TP. Hội An, nhiều năm trở lại đây, khu vực biển Cửa Đại liên tục đặt trong tình trạng khẩn cấp dù kinh phí đầu tư để chống sạt lở khá nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Nhiều khu vực bị nước biển xâm thực ăn sâu vào đất liền. Các biện pháp làm đê chắn sóng, tạo bãi, kè bờ đã triển khai… Những giải pháp này chưa mang lại hiệu quả, bờ biển càng ngày bị sóng biển xâm thực càng nghiêm trọng.
Để bảo vệ bờ biển Cửa Đại, những năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đầu tư ngân sách nhiều tỷ đồng, cùng với doanh nghiệp bỏ tiền ra để xây dựng kè cứng, kè mềm bờ biển Cửa Đại… Song đây chỉ là những giải pháp mang tính đối phó tạm thời. Kè bờ cứng một số đoạn bảo vệ được bờ nhưng làm mất bãi, gây sạt lở tại đoạn bờ bên cạnh, gây mất cảnh quan biển. Để bảo vệ tài sản, nhiều doanh nghiệp đã tự bỏ tiền để xây dụng kè, vì thế công trình không tuân thủ quy hoạch chung, thực hiện thiếu đồng bộ làm mất cân bằng bãi biển, sạt lở ở các vùng xung quanh…
Tại các hội thảo bàn về giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, phần lớn các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân gây xói lở bờ biển chủ yếu là do thay đổi cán cân bùn cát. Nguồn cát cung cấp cho bờ biển trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đang thiếu hụt do những con sông bị ngăn dòng bởi các nhà máy thủy điện, cùng với yếu tố tận thu cát lòng sông quá mức...
Trước thực trạng này, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần tham vấn các nhà khoa học trong và ngoài nước để sớm có giải pháp “cứu” bờ biển Hội An trước nguy cơ xói lở ngày càng nghiêm trọng.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
