Làm gì để khu vực tư nhân phát triển?
![]() | Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững |
![]() | Khu vực tư nhân: Vai trò quan trọng trong phát triển bền vững |
![]() | Khu vực tư nhân mạnh có vai trò trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam |
Tiềm năng lớn, kỳ vọng cũng không nhỏ
Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) hiện chiếm tỷ trọng khoảng 40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động, đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, Nhà nước đang phấn đấu tỷ trọng đóng góp của khu vực này phải tăng nhanh hơn nữa trong những năm tới. Theo đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tháng 11/2021 (Nghị quyết 31/2021/QH15) xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55% và phấn đấu đạt mức 60-65% vào năm 2030 (theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030).
Dù có vai trò đóng góp ngày càng quan trọng và kỳ vọng phía trước là rất lớn, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là về tổng thể, năng lực cạnh tranh (NLCT) của khu vực KTTN còn nhiều hạn chế, quy mô nhỏ bé, có xu hướng “li ti hoá”, thiếu vắng các doanh nghiệp có vai trò tiên phong dẫn dắt...
Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số của Việt Nam còn thấp (so với các thị trường phát triển) và quy mô khiêm tốn (chỉ có khoảng 4% số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, 96% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) nên sẽ không đủ mạnh để đưa nước ta trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao như kỳ vọng.
![]() |
Đa phần doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ quản trị còn nhiều bất cập khiến năng lực cạnh tranh yếu |
Theo các chuyên gia, đa số trong khu vực KTTN có trình độ quản lý thấp, lạc hậu về công nghệ, nguồn nhân lực còn nhỏ bé cả về lượng và chất. Tư duy kinh doanh manh mún, ngắn hạn còn khá phổ biến, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Đáng chú ý, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực KTTN còn thấp và nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) bình quân của khu vực tư nhân chỉ bằng khoảng 34% NSLĐ của khu vực DNNN và khoảng 69% NSLĐ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khu vực KTTN nói riêng đã bị bào mòn, suy yếu đi rất nhiều trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua. Việc có tới gần 120 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong năm 2021 (tăng 17,8% so với năm 2020) hay gần 45 nghìn trong 2 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy điều này.
Hỗ trợ, đột phá để bật lên
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị… là nguồn lực quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa được những khát vọng phát triển trong tương lai. Do đó, việc cải cách thể chế, triển khai thực chất và hiệu quả các giải pháp giảm gánh nặng về chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh… cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của KTTN, đảm bảo khu vực KTTN hoạt động trong một môi trường công bằng với các khu vực khác.
Bên cạnh ban hành và triển khai các chính sách, giải pháp để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, việc cung cấp được những hỗ trợ kỹ thuật thiết thực, cụ thể mang tính thực tiễn cao thông qua các chương trình, dự án với mục tiêu và phương pháp tiếp cận đi từ các vấn đề nội tại của doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh.
Mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) và USAID đã chính thức khởi động Dự án IPS-C. Với tổng kinh phí 36,3 triệu USD và thời gian thực hiện trong 5 năm, dự án này sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp (để giải quyết các vấn đề nội tại của doanh nghiệp về quản lý, con người, thị trường, công nghệ, tài chính...) cho tối thiểu 5.000 doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cơ hội kinh doanh và nâng cao NLCT trên thị trường khu vực và thế giới.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, mặc dù nguồn lực của Dự án IPS-C sẽ không thể đảm bảo để hỗ trợ tăng cường năng lực trực tiếp cho toàn bộ khu vực KTTN, nhưng sẽ tạo tác động lan tỏa tích cực tới toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp. Dự án được thực hiện hiệu quả và thành công sẽ không chỉ góp phần quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được các vấn đề mà khu vực KTTN Việt Nam đang phải đối diện, mà còn tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tiên phong, doanh nhân Việt Nam tự tin và chủ động vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, giúp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định, cần phát triển mạnh khu vực KTTN cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Muốn vậy, việc xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN; hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao NSLĐ là rất cần thiết. Nói cách khác, đột phá vào chính những hạn chế hiện nay cả về cơ chế chính sách cũng như các vấn đề nội tại của doanh nghiệp sẽ giúp khu vực KTTN phát triển hơn nữa, đóng góp vào phát triển kinh tế nói chung.
Dự án IPS-C cung cấp các gói hỗ trợ khác nhau, gồm: Gói thích ứng và tăng trưởng; Gói mở rộng thị trường; Gói nâng tầm giá trị Việt; Gói số hoá hoạt động doanh nghiệp; Gói nâng cao năng lực tài chính; Gói cho doanh nghiệp tiên phong, vươn ra khu vực và thế giới. Khi được giới thiệu về dự án này, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đều nhìn nhận đây sẽ là những hỗ trợ thiết thực, dài hạn mà doanh nghiệp cần. Ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) cho biết, trong ngành gỗ phần lớn là DNNVV. Nhiều doanh nghiệp rất bỡ ngỡ khi bước vào thị trường quốc tế, nên rất muốn nắm bắt thông tin về thị trường (đặc biệt là thông tin về những rào cản có thể gặp phải khi xuất khẩu, về khuynh hướng thị trường) hay cách thức để chuyển đổi số. Vì vậy các gói hỗ trợ của dự án như vậy là rất phù hợp và nhiều doanh nghiệp thuộc HAWA mong muốn tham gia. Đặc biệt quan tâm tới các gói hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra khu vực và thế giới, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ DNNVV của TP. Hà Nội mong muốn dự án này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể kết nối giao thương, xúc tiến thương mại với các nước trong khu vực. Theo bà Thùy, sự hỗ trợ này rất cần thiết khi mà nhiều đơn hàng ra nước ngoài bị huỷ bỏ, không kết nối được thị trường quốc tế, trong khi sức mua trong nước kém, hàng hoá sản xuất nhiều nhưng không bán được. |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
