Kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc
Phát hiện nhiều lô hàng “bất bình thường”
Từ những ngày cuối tháng 7/2020, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam với tâm dịch tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương. Cùng thời điểm này, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng đưa các mặt hàng không rõ nguồn gốc vào lưu thông trên thị trường. Điều này hoàn toàn không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Trước thực trạng này, chính quyền và các ngành chức năng của các địa phương đã tăng cường công tác kiểm soát, theo dõi và xử lý những trường hợp vi phạm. Ngay từ những ngày đầu dịch tái bùng phát, UBND TP. Đà Nẵng đã liên tục có văn bản chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng các nguồn cung, vận chuyển và cung ứng hàng hóa; thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ số lượng trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống.
![]() |
Cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thời cơ dịch bệnh để kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo, ký cam kết với các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không tăng giá hàng hóa bất hợp lý, không đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, không gian lận về giá, không lợi dụng tình hình của dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Thế nhưng, bất chấp những chỉ đạo của chính quyền thành phố, các đối tượng xấu đã lợi dụng thời cơ đưa hàng hóa không rõ nguồn gốc vào thị trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt lô hàng khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số lượng lên đến hàng chục ngàn chiếc.
Đơn cử, mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 đã phát hiện một lượng lớn khẩu trang không rõ nguồn gốc. Qua kiểm đếm 9 thùng carton, thấy chứa 22.500 khẩu trang 4 lớp màu đen (450 hộp, mỗi hộp 50 chiếc) trên bao bì có ghi sản phẩm của Công ty TNHH Hapapolo Việt Nam, có địa chỉ tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Lô hàng là của bà Trần Thị Thanh Lời trú tại 264/4 Tôn Đản, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Tương tự, ngày 29/7/2020, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) phối hợp với UBND phường Thọ Quang và Đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 62/121/24 Nguyễn Phan Vinh, tổ 65, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà do ông Võ Phi L., trú huyện Hải Trường, Hải Lăng (Quảng Trị) làm chủ.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 480 hộp chứa 24.000 khẩu trang và chủ cơ sở không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Trả lời cơ quan chức năng, ông L. cho biết, đây là nhà thuê để ở và không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ lô hàng. Hiện vụ việc được Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Sơn Trà tiếp tục làm rõ.
Trước đó, chiều 28/7/2020, qua kiểm tra đột xuất tại địa chỉ số 123/34 Mẹ Suốt, Đội QLTT số 5 (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) phát hiện một lô hàng gồm số lượng lớn khẩu trang không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ do bà Phan Thị Hoan, trú tại thành phố Vinh (Nghệ An) làm chủ. Qua kiểm đếm, lô hàng khẩu trang trên có tổng cộng 21.000 chiếc (gồm 15.000 chiếc khẩu trang loại 3 lớp và 6.000 chiếc khẩu trang 4 lớp). Cục QLTT TP. Đà Nẵng lập biên bản tạm giữ toàn bộ số khẩu trang trên. Đồng thời, tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kịp thời triển khai biện pháp ngăn chặn
Gần đây nhất, trưa ngày 31/7/2020, Đội QLTT số 7, Cục QLTT TP. Đà Nẵng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh số 264/4 đường Tôn Đản, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) phát hiện một lượng lớn khẩu trang. Tại thời điểm kiểm tra, bà Trần Thị Thanh Lời, trú tại xã Quế An, Quế Sơn (Quảng Nam) thừa nhận là chủ lô hàng này và không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Cả lô hàng khẩu trang có tổng cộng 20.500 cái loại 4 lớp. Theo lời trình bày của bà Lời, số lượng khẩu trang nêu trên được mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Đội QLTT số 7 đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ 20.500 chiếc khẩu trang nêu trên để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Đà Nẵng, để đảm bảo công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, kịp thời triển khai biện pháp ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế; các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục QLTT TP. Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 309/CQLTT-NVTH về triển khai thực hiện công tác QLTT nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục QLTT Đà Nẵng đã chỉ đạo các đội QLTT quản lý địa bàn chủ động phân công các tổ công tác quản lý địa bàn, thực hiện công tác theo dõi diễn biến tình hình thị trường do đội quản lý; Tập trung theo dõi hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, việc niêm yết giá hàng hóa và bán theo giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế phòng dịch (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, găng tay)…
Đặc biệt, Cục QLTT TP. Đà Nẵng công bố số điện thoại đường dây nóng nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh của người dân liên quan đến các vi phạm về đầu cơ, găm hàng, nâng giá quá mức quy định, niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế dùng cho việc bảo vệ sức khỏe trên địa bàn. Qua đó, Cục QLTT Đà Nẵng đã kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
