“Không ngủ” ở Sông Hàn
Sôi động đôi bờ sông Hàn
Các hoạt động được tổ chức định kỳ gồm: biểu diễn Âm nhạc đường phố vào tối thứ bảy tại vỉa hè phía đông đường Bạch Đằng; biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả xem Rồng phun lửa, phun nước gắn kết với hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng trên cầu Rồng vào tối thứ bảy hàng tuần, biểu diễn nhạc hơi vào sáng chủ nhật hàng tuần tại đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm; biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào tối chủ nhật hàng tuần do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện luân phiên tại hai khu vực công viên phía bắc, bờ đông cầu Sông Hàn và công viên bờ tây cầu Rồng.
Các hoạt động “Sân chơi cuối tuần” với các trò chơi, cuộc thi nghệ thuật đường phố như dân vũ, khiêu vũ đường phố, hiphop… được tổ chức vào các tối chủ nhật tại hai con đường chạy dọc theo hai bờ sông Hàn là Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo.
![]() |
Sông Hàn hấp dẫn du khách về đêm |
Đặc biệt trong năm 2016, nhân sự kiện đoàn đua thuyền buồm quốc tế đến Đà Nẵng (dự kiến tháng 2/2016), tại hai bờ sông Hàn, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động chào mừng như: lễ đón đoàn thuyền buồm quốc tế; hội chợ giao lưu văn hóa, ẩm thực; triển lãm ảnh; giao lưu nghệ thuật giữa các đoàn thuyền…
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, cùng với việc ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn trong năm 2016. UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy gắn với dòng sông Hàn.
Hiện ngành du lịch đang từng bước triển khai theo từng giai đoạn. Hy vọng những hoạt động này sẽ góp phần làm sôi động đôi bờ sông Hàn, người dân và du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Để tạo nên các sản phẩm du lịch, dịch vụ văn hóa dọc hai bờ sông Hàn, TS. Mỹ Thanh của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, nên lựa chọn những chương trình, hoạt động phù hợp với không gian vốn có, như khu vực trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm nên có những tiết mục biểu diễn múa Chăm, hay một số chương trình mang tính dân tộc thì sẽ độc đáo và thu hút du khách.
Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng đề xuất, phải xây dựng được những hoạt động “đinh” của mỗi sản phẩm. Với đường sông, các phương tiện trên sông nên có một mẫu thiết kế chung, có thể là tái hiện mô hình thuyền Chăm cổ và dùng những thuyền này để chở khách. Mặt khác, cảnh quan hai bên bờ sông Hàn hiện chưa có điểm nhấn đặc sắc, các điểm dừng tour, tuyến còn yếu; vì vậy, phải có sự tham gia của những người có chuyên môn khi quy hoạch để có những phương án cải tạo cảnh quan ở tầm nhìn từ dưới thuyền, có như vậy mới đảm bảo lâu dài và tính hiệu quả cao.
TS. Mỹ Thanh dẫn chứng, sản phẩm du thuyền trên sông ở một số nước trên thế giới như Pháp, Singapore, khách ngồi trên du thuyền, ngoài những thuyết minh cơ bản sẽ là không gian tĩnh lặng để du khách cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông, thành phố theo cách của riêng mỗi người. Hay đơn giản du thuyền trên sông Hương, du khách sẽ được nghe những bài ca Huế rất đặc trưng về những địa danh, về con người nơi đây…
Đây là khoảng thời gian để du khách chiêm nghiệm, thấy được cái hay, cái đẹp của những nơi mình đã đi qua. Trong khi đó, ông Cao Tiến Dũng thì cho rằng, hiện nay tại Đà Nẵng, một số tàu, du thuyền trên sông Hàn đang kéo khách sử dụng dịch vụ bằng hình thức phục vụ ăn uống, mở nhạc ầm ĩ, khiến du thuyền trên sông Hàn đang giống như những nhà hàng nổi, du khách không còn thời gian thưởng thức hay ngắm cảnh đẹp trên sông nữa.
Chưa kể đến việc chất thải từ các du thuyền này liệu có được xử lý trước khi đưa ra môi trường? Ông Dũng kiến nghị. Nên giãn các công trình, các hoạt động văn hóa giải trí cách xa nhau, đưa đến vị trí mới (thay vì tập trung ở khu trung tâm) thì sẽ sớm hình thành thêm những khu trung tâm mới của thành phố, khi đó sông Hàn sẽ thoáng mà vẫn có nhiều tiện ích.
Theo KTS. Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quy hoạch thuộc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, sông Hàn không thể thiếu sự kết nối đôi bờ. Hiện ở đoạn trung tâm thành phố đã có 4 cây cầu, trong khi đó, vấn đề xây dựng cầu tại khúc giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước còn bỏ ngỏ.
Hiện nay, phía đường Bạch Đằng, buổi tối, khách nước ngoài bắt đầu hút về các quán bar mini nghe nhạc và ngắm đường phố, nên chăng có những giải pháp để đưa dọc sông Hàn trở thành phố Tây? Cái gốc của vấn đề phải hình thành một chuỗi sản phẩm phù hợp cao với những đối tượng nhất định như loại hình dịch vụ homestay.
Nên có mô hình cụ thể và định hướng người dân đầu tư phù hợp với loại hình khách, từ đó đưa những tiện ích đường phố kèm theo như vẽ tranh, âm nhạc, vui chơi, ăn uống… Làm sao để mọi đối tượng đều có thể cảm thấy thoải mái, tự nhiên. Việc tổ chức phố đêm là rất cần thiết để phục vụ khách du lịch, để sông Hàn phải là “dòng sông không ngủ”.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ

Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025: Thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch và đầu tư

TP. Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị cho đại lễ 30/4
