Khởi nghiệp với người cao tuổi có phải chuyện khó?
Số liệu của Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số, trong đó số người trên 65 tuổi trở lên là hơn 8,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 8,9%); số người trên 80 tuổi trở lên xấp xỉ 2 triệu người (chiếm 17,6% tổng số người cao tuổi). Mặc dù số người cao tuổi ngày càng tăng, nhưng hiện mới có 3,1 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công, vẫn còn trên 50% người cao tuổi không có nguồn thu nhập tích lũy, vẫn phải lao động, kiếm sống, theo ông Trần Ngọc Diễm, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội.
![]() |
Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 80,4 tuổi vào năm 2050 đang đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo đảm hạ tầng an sinh xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, và hiện còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...
Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Tuy nhiên, tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập là điều không hề đơn giản với họ bởi khá nhiều những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập như: Quan niệm về việc làm đối với người cao tuổi; Số lượng người cao tuổi ngày càng tăng nhanh; Trình độ người cao tuổi có nhiều hạn chế;… Để người cao tuổi tìm được công việc phù hợp trong điều kiện hiện nay không phải là điều dễ dàng, khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.
Đơn cử, hiện, người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc có thể tìm được tập trung trong lĩnh vực như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già... Còn với phần đông người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại đang thiếu vốn. Vì vậy, việc khởi nghiệp cho người cao tuổi, trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, TS. Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh.
Báo cáo chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH), kết quả nghiên cứu về thực trạng tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi từ tháng 6-8/2020 tại 3 địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương) cho thấy, 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Trong đó có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi... đã và đang tạo ra hàng triệu làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
Nói về chính sách kinh tế cho người cao tuổi, TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng, không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ sinh kế, nhất là những người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập khá, ổn định. Song với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như người cao tuổi thu nhập thấp, người cao tuổi thuộc diện nghèo sống độc lập, người cao tuổi cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn… Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ưu tiên, phù hợp và cụ thể về sinh kế. Cụ thể có thể kể đến như vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội Người cao tuổi để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩn; Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
TS. Nguyễn Hải Hữu nhìn nhận, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhà nước cần có định hướng, lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi.
Nhiều chính sách liên quan đến an sinh xã hội, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi đã được luật hóa trong Luật Người cao tuổi. Chúng ta cũng đã có Quỹ chăm sóc người cao tuổi; có trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo hoặc không có người nuôi dưỡng… Đặc biệt, mới đây, vấn đề “Khởi nghiệp cho người cao tuổi” đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giao Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
