Huyền thoại một vị tướng…
![]() |
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện |
Nói đến Hoàng Thế Thiện người ta nhớ tới một vị tướng giản dị, chân chất. Ông được biết đến là một trong những tướng lĩnh chỉ huy 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là Chính ủy đầu tiên của Cục Không quân, nền móng đầu tiên của Không quân Việt Nam và cả Hàng không dân dụng Việt Nam… Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi tức Hoàng Dân quê ở Hải Phòng.
Người ta biết đến Hoàng Thế Thiện qua hàng loạt trận đánh nổi tiếng lịch sử như tháng 2-1975 ông trực tiếp chỉ huy hướng tiến công Dầu Tiếng – Chơn Thành. Tháng 4-1975, Hoàng Thế Thiện được giao nhiệm vụ tham gia chỉ huy cánh quân phía Đông đánh phá cửa ngõ Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn. Sư đoàn 7 mũi nhọn của Quân đoàn 4, đã giải phóng Xuân Lộc, Biên Hòa và tiến vào Sài Gòn, thực hiện nhiệm vụ quân quản thành phố vừa giải phóng. Trước đó, Sau chiến dịch Bình Giã (12-1964), Đồng Xoài (5-1965), yêu cầu phải có “quả đấm” lớn trên chiến trường miền Đông. Hoàng Thế Thiện lại được điều về tham gia xây dựng sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ. Ông đã cùng các đồng chí Hoàng Cầm, Lê Văn Tưởng, Nguyễn Thế Bôn thành lập Sư đoàn 9. Ngày 2-9-1965, Sư đoàn 9 chính thức ra đời Hoàng Thế Thiện đã cùng đồng đội chỉ huy nhiều trận đánh lớn của sư đoàn như chiến dịch Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Sông Bé, Gian-xơn Xi-ti… Tháng 7-1970, Hoàng Thế Thiện được giao nhiệm vụ Phó Chính ủy Mặt trận 968 – Nam Lào. Ông tham gia chỉ huy Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1-1971) lập nên những chiến công vang dội…
Những chiến công ấy được khơi nguồn từ tuổi thơ đầy “dữ dội” ông! Năm 17 tuổi ông đã bị giặc bắt vì tham gia Việt Minh, bị kết án 5 năm khổ sai, đưa vào Hỏa Lò rồi bị chuyển lên Sơn La. Trong những năm ở tù, dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng ông tuyệt đối không khai một lời nào.
Ông Đào An Thái – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, người bạn tù của ông kể lại rằng những ngày đó dù trong tù vô cùng gian khổ, nhưng các ông đã biến nó thành một trường học sôi động, đến nỗi Hoàng Thế Thiện có lần còn bảo thấy “may” vì được… đi tù, nếu không ông chẳng bao giờ được học về học thuyết Mác – Lê nin một cách đàng hoàng như thế.
Ở trong tù, Hoàng Thế Thiện biết tiếng Pháp thì dạy tiếng Pháp, nhạc sỹ Đỗ Nhuận thì dạy nhạc, họ biểu diễn văn nghệ bằng những nhạc cụ tự tạo. Hoàng Thế Thiện gợi ý lấy cành bàng nhỏ, thẳng, thuôn cho rỗng để khoét sáo. Họ hì hục làm cả tuần liền, Đào An Thái kỳ công gọt giũa cho lỗ sáo kỳ tròn…
Ở trong tù bị đàn áp, Hoàng Thế Thiện lúc nào cũng nhận ở ngoài để hứng đòn, che cho anh em yếu hơn. Có lần Đào An Thái kiên quyết đòi ở ngoài vì: “Tớ không nhát, tớ chịu được” đã bị ông quát cho: “Cậu gầy như con mắm, nó quật cho một cái thì gẫy cổ” rồi kiên quyết đẩy bạn vào trong… có lẽ chính vì thế mà cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong cuốn hồi ký “Nhớ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện” mà bạn bè ông viết tặng đều nói rằng ông là “hạt nhân đoàn kết”, ông sống giản dị, không quan cách, chân thành, thương yêu đồng đội.
Nếp giản dị ấy ông giữ đến cuối đời, từ nếp ăn nếp ở, từ cách đi đứng ăn mặc. Là Tướng về hưu, từng giữ những chức vụ cao, thế mà về già ông toàn đi xe đạp. Cứ cái mũ phớt, cái xe cọc cạch, ông đạp hết phố này quận nọ, từ họp cựu chiến binh đến viếng bạn qua đời.
Tháng 3-1945, ông vượt ngục về Thái Nguyên làm Đội trưởng Đội võ trang tuyên truyền Võ Nhai, tham gia khởi nghĩa tại Thái Nguyên. Tháng 4-1947, ông được điều vào Quân đội, rồi làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô. Sau Hiệp định Giơ-ne- vơ năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi được cử sang Trung Quốc học tại Học viện Không quân để xây dựng lực lượng không quân Việt Nam. Ông lúc đó là Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay, rồi trở thành Chính ủy – Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân. Không chỉ có vậy, ông một trong số ít những vị tướng được Đảng và Chính Phủ ba lần cử về chiến trường Đông Nam bộ để xây dựng lực lượng, tổ chức đánh giặc.
Nhà báo Phan Trác Hiệu, người đã từng chiến đấu cùng ông trong chiến trường miền Nam kể lại: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân đội ta ở miền Nam chuẩn bị tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, phía Pháp cho biết, họ không thể di chuyển các thương, bệnh binh nặng của chúng ta bằng máy bay; mà các thương, bệnh binh này cũng không thể di chuyển bằng tàu thủy của Liên Xô, Ba Lan giúp ta.
Trại thương binh miền Tây lúc đó đã đầy những thương, bệnh binh nặng đang khao khát được ra Bắc để trị thương. Không cam tâm để đồng đội lại vùng địch, ông đã liên tục lên đề nghị Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây đề nghị Trung ương đấu tranh quyết liệt với quân đội Pháp, yêu cầu thực hiện việc di chuyển bệnh binh nặng bằng máy bay.
Cuối cùng, yêu cầu này được chấp nhận và toàn bộ các thương binh nặng đã được chuyển ra Bắc. Đến năm 1964, do yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ, ông lại một lần nữa Nam tiến trên con tàu Không số…
Là người lính nên cuộc đời ông gắn liền với những cuộc hành quân, đánh trận biền biệt, việc xa gia đình đã trở thành bình thường với vợ và những đứa con của ông. Xa cách gia đình, tình cảm của ông bà dồn hết qua những cánh thư. Hoàng Anh Thi con trai ông đã giữ lại những bức thư ấy như một kỷ vật thiêng liêng của gia đình.
Trong số đó có bức thư vô cùng đặc biệt, đó là bức thư bà gửi cho ông năm 1950, khi ông đang chiến đấu trong Nam. Thời đó đưa thư bằng giao liên, trải qua khó khăn, bom đạn, có khi hàng năm trời mới tới. Đến lúc bức thư tới tay ông thì đã bị mưa gió đường trường làm ướt nhẹp, không còn dịch ra được chữ gì nữa.
Đau lòng, ông mới viết vào đó mấy câu thơ: “Thư em là ngọn lửa nồng/ Tới đây sôi ấm tấm lòng tha hương/ Ngờ đâu mưa gió đường trường/ Phũ phàng xóa hết 8 chương tiếng lòng (thư bà viết 8 trang – PV)/ Giờ đây cất kín thư câm/ Ngày về em phải đọc thầm tai anh.” Và bức thư đó ông giữ mãi cho đến sau này, luôn bên ông trong những ngày chiến đấu gian khổ nhất.
Hơn 40 năm tung hoành trên khắp các chiến trường gian khổ nhất Hoàng Thế Thiện đã khẳng định mình là một vị tướng tài và có uy tín của quân đội, một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
