Hợp tác xã có nhu cầu vay vốn: Làm gì để ngân hàng “mở hầu bao”?
Nhu cầu vay vốn cao
Phát triển kinh tế hợp tác nhằm góp phần liên kết sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế quan trọng của các địa phương trong cả nước.
Tại Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 613 HTX. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có hơn 400 HTX đang hoạt động (chiếm 66,39%), số HTX hoạt động hiệu quả khoảng 256 HTX (đạt 62,89%).
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đã và đang đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhiều HTX đã tạo ra các sản phẩm OCOP nổi bật và chuyển đổi số để thay đổi phương thức quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương.
Mặc dù kinh tế hợp tác, HTX ở Quảng Nam đã có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại khu vực nông nghiệp - nông thôn, nhưng trên thực tế, phần lớn các HTX vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Đa số HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực chủ lực của các HTX địa phương, nhiều HTX vẫn còn một số hạn chế như, quy mô hoạt động nhỏ, thiếu cơ sở vật chất, nội dung hoạt động đơn điệu, sự liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp còn hạn chế. Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ yếu tập trung ở sản xuất giống lúa, lạc...
![]() |
Nhu cầu vay vốn của các HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất... ở Quảng Nam tương đối cao. |
Đặc biệt, nhiều đơn vị thiếu nguồn vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, nhu cầu vay vốn của các HTX ở địa phương tương đối lớn. Đơn cử như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Nam (huyện Thăng Bình), thành lập từ năm 2012, HTX đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện, HTX có hơn 52 ha sản xuất lúa và 40 ha sản xuất lạc.
Theo đại diện HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Nam, đơn vị đang có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn cho HTX và người nông dân.
Xác định được tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, NHNN chi nhánh Quảng Nam đã chủ động triển khai nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến ngành Ngân hàng để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, NHNN chi nhánh Quảng Nam cũng tăng cường chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có các HTX.
Các TCTD tại địa phương cũng đang đẩy mạnh triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ, cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ… Đặc biệt, có chính sách cho vay không cần tài sản đảm bảo lên đến 70%-80% giá trị khoản vay để phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn cũng dành nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho các HTX có năng lực tài chính tốt, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi.
![]() |
Mô hình HTX vay vốn ngân hàng làm du lịch sinh thái ở Hội An, Quảng Nam. |
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Hiện tại, trên địa bàn Quảng Nam một số TCTD đang có dư nợ đối với khu vực kinh tế tập thể. Ước tính đến cuối quý I/2025, dư nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể đạt 47 tỷ đồng. Số khách hàng còn dư nợ là 33, trong đó HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (84,85%), tiếp theo là HTX xây dựng (6,06%), HTX giao thông vận tải (3,03%) và HTX thương mại, dịch vụ (6,06%).
Trên thực tế, theo đại diện nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh, việc mở rộng cho vay đối với thành phần kinh tế tập thể, HTX vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ năng lực tổ chức, quản trị, điều hành và chất lượng nguồn nhân lực của nhiều HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới. Hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính chưa đúng quy định, thiếu minh bạch. Tài sản có giá trị thấp, vốn tự có đối ứng không đủ. Mặt bằng chủ yếu đi thuê, thiếu tài sản đảm bảo khi vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng. Một số ít trường hợp thành viên HTX dùng tài sản cá nhân để thế chấp nhưng giá trị không lớn; tài sản góp vốn vào HTX của các thành viên vẫn mang tên cá nhân, gây khó khăn trong việc sử dụng để thế chấp vay vốn. Một số HTX sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, không có dự phòng tài chính, tiềm ẩn những rủi ro.
Đặc biệt, "điểm nghẽn" then chốt khiến việc tiếp cận vốn tín dụng của các HTX ở Quảng Nam cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước còn gặp khó, chính là tư cách pháp lý của HTX không đầy đủ. Trên thực tế, những vấn đề về cơ chế quản lý, pháp lý của các HTX đang gây ra những khó khăn cho TCTD khi quyết định cho vay. Mặc dù, chủ trương chung là hỗ trợ cho các HTX, song các TCTD phải tự chịu trách nhiệm khi có rủi ro... Bởi vậy, việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để HTX có thể tiếp cận tín dụng, có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng cho HTX ở Quảng Nam cũng như cả nước trong bối cảnh hiện nay.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh cho vay HTX, theo đại diện NHNN chi nhánh Quảng Nam, các TCTD sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, công khai quy trình, thủ tục vay vốn đối với HTX, tổ hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp tín dụng theo quy định. Các TCTD cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Liên minh HTX và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn HTX tiếp cận nguồn vốn vay.
![]() |
HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất... cần xử lý triệt để những tồn đọng, cải thiện và đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. |
Về phía các HTX, cần thực hiện nghiêm điều lệ HTX, tổ chức đại hội thành viên, xây dựng quy chế quản lý vốn và tài sản minh bạch. Đồng thời, tập trung xử lý triệt để những tồn đọng, cải thiện và đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, HTX cần xác định rõ tư cách pháp nhân khi vay vốn, chứng minh năng lực tài chính, quản trị, hoạt động, phân định rõ tài sản chung của HTX và tài sản riêng của thành viên để làm tài sản đảm bảo trong quan hệ tín dụng. Đối với các HTX còn nợ xấu, nợ lãi ngân hàng, cần xây dựng phương án xử lý cụ thể.
Trong buổi đối thoại với các HTX trên địa bàn mới đây, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhấn mạnh rằng, chính quyền cần tăng cường lắng nghe, đối thoại với HTX; đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức về vai trò của HTX, tránh hiểu theo mô hình sản xuất truyền thống. Đồng thời, cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đồng thời kiến nghị, đề xuất để bổ sung, chỉnh sửa những quy định không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
