Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở vùng trung du Tiên Phước
Đơn cử như hộ ông Trần Chí Tâm, thôn 2, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông Tâm chia sẻ, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, thông qua Hội Cựu Chiến binh ông được biết Nhà nước có cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. “Nguyện vọng của tôi được Tổ TK&VV, Hội Cựu chiến binh và UBND xã đề nghị lên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tiên Phước cho vay 30 triệu đồng để về chăn nuôi bò, làm vườn. Đến năm 2017, tôi trả nợ đúng hạn và đề nghị ngân hàng nâng lên cho vay 50 triệu để trồng keo, từ đó thu nhập của gia đình dần ổn định và tôi đăng ký thoát nghèo bền vững cuối năm 2019”, ông Tâm nhớ lại.
![]() |
Cán bộ NHCSXH huyện Tiên Phước trong một phiên giao dịch xã |
Sau khi trả hết nợ cũ, ông Tâm vẫn có nhu cầu vay vốn mới để tiếp tục sản xuất, cải tạo vườn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi nên đã được tiếp tục vay vốn ưu đãi chương trình Giải quyết việc làm với số tiền 70 triệu đồng và chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn với số tiền 20 triệu đồng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, gia đình ông Tâm đã đầu tư 70 triệu đồng để trồng mới 4 hecta rừng keo tai tượng, làm trang trại ngay tại nhà nuôi 2 con heo nái và 23 con heo thịt; 1 con bò nái và 2 con bò thịt, 20 con vịt; ngoài ra ông còn trồng thêm cây dó bầu và cây cau để cải thiện thêm kinh tế gia đình. Số tiền 20 triệu đồng còn lại ông Tâm xây dựng công trình nước sạch và làm mới nhà vệ sinh nhằm phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Diện tích đất rừng trên khi khai thác dự kiến lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng; đàn heo lấy thịt hiện nay gia đình cũng đã bán được 12 con với số tiền thu hồi về 40 triệu đồng và tiếp tục đầu tư để phát triển thêm mô hình.
Ông Tâm cho biết, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH gia đình đã sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, thực hiện tốt các quy định của ngân hàng, trả lãi đều đặn và tích góp gửi tiền tiết kiệm. Kinh tế khá vững vàng, ông Tâm cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết sử dụng vốn đến bà con trong thôn và cùng nhau phát triển kinh tế vườn hiệu quả nhằm cải thiện đời sống, nâng cao mức thu nhập góp phần nhỏ vào phát triển kinh tế cho địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc NHCSXH huyện Tiên Phước, trong 20 năm qua, NHCSXH huyện đã giải ngân với doanh số đạt 1.304 tỷ đồng cho 58.443 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ đạt 838 tỷ đồng, các món nợ đến hạn được thu hồi và xử lý đúng quy định, đảm bảo nguồn vốn để cho vay quay vòng, đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp cho 6.784 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, giảm số hộ nghèo của huyện năm 2021 xuống còn 777 hộ và hộ cận nghèo còn 418 hộ; các nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh đã giải quyết tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho 31.465 lượt lao động tại địa phương; vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã giúp xây dựng và sửa chữa được 14.482 công trình giếng nước, vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường sống; đối với các chương trình cho vay làm nhà cũng đã giúp bà con xây mới được 2.292 căn nhà. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách xã hội còn giúp cho 6.261 lượt hộ gia đình khó khăn có vốn ưu đãi trang trải chi phí học tập cho con em, trong đó có 60 em mua máy vi tính phục vụ học trực tuyến do dịch Covid-19…
Thông qua các chương trình cho vay ưu đãi đã giúp cho nhiều hộ gia đình dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, có nhiều điều kiện để tiếp cận, lựa chọn nguồn vốn ưu đãi phù hợp để vay, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đến cuối năm 2019, NHCSXH huyện đã giải quyết cho vay đến 100% số hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi. Đến nay đã giải quyết cho vay, đáp ứng hầu hết nhu cầu chính đáng, đúng quy định của khách hàng trên địa bàn huyện.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn cho vay ưu đãi, thời gian tới, Ban Đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện Tiên Phước đẩy mạnh việc triển khai việc thực hiện Kết luận số 06-KL-TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư; Đề nghị Huyện ủy, HĐND và UBND huyện hàng năm tiếp tục bố trí nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua NHCSXH huyện để cùng với nguồn vốn của tỉnh, trung ương cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện phối hợp với NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội và nâng cao chất lượng vốn vay.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
