Hạ tầng số có nhiều bước tiến mới
Hạ tầng thanh toán số giúp địa phương phát triển thành phố thông minh Chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng mới TP. Hồ Chí Minh phát triển hạ tầng số, viễn thông phục vụ trung tâm tài chính quốc tế |
Thời gian qua, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ từ một quốc gia đang phát triển với hạ tầng kỹ thuật hạn chế để trở thành quốc gia phát triển hạ tầng số nhanh nhất khu vực với nhiều bước tiến mới.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng - 55 tuổi, sống tại Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: Là một người đã chứng kiến nhiều biến động của kinh tế, xã hội đất nước nhưng tôi cũng không ngờ rằng hiện Việt Nam đã phát triển vượt bậc, mạnh mẽ về công nghệ như vậy. Những năm 2005 trở về trước, chúng ta chủ yếu dùng điện thoại bàn, nhưng nay hầu như người dân nào cũng có smartphone có thể truy cập mạng Internet ở tốc độ cao mọi lúc, mọi nơi...
![]() |
Hạ tầng số đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số |
Theo số liệu từ Bộ Khoa học và Công nghệ, 89,6% thuê bao di động tại Việt Nam có sử dụng điện thoại thông minh. Trong tháng 2/2025 vừa qua, tốc độ tải xuống băng rộng di động đạt 144,5 Mbps, đưa Việt Nam lên xếp thứ 19 trong số 103 quốc gia. Hạ tầng viễn thông băng rộng cố định tiếp tục phát triển với 83,3% hộ gia đình sử dụng cáp quang. Internet di động của nước ta đã lọt vào top 20 toàn cầu, cáp quang phủ đến 83% hộ gia đình.
Hạ tầng tiện ích số cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể với hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp. Nổi bật hơn cả là ứng dụng VNeID được tích hợp nhiều tiện ích phục vụ người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số. “Nếu như trước đây làm giấy khai sinh cho con cha mẹ phải chờ đợi, chuẩn bị giấy tờ thủ tục mất thời gian, thì bây giờ nhờ có tài khoản VNeID và nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công, thông tin đã tự động điền vào tờ khai. Chỉ mất thêm vài phút nhập thông tin khác và chụp giấy tờ tải lên, tôi đã thực hiện xong việc nộp hồ sơ và đăng ký nhận kết quả tại nhà” - chị Nguyễn Thị Hòa sống tại Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.
![]() |
Việt Nam có nhiều bước chuyển mình trong phát triển hạ tầng số |
Lượng tài khoản người dùng trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID đã kích hoạt đạt hơn 55,25 triệu, trong đó có 14,2 triệu hồ sơ giấy phép lái xe tích hợp lên ứng dụng. Một số dịch vụ mới được triển khai trên VNeID được đánh giá cao như đăng ký xe nhập khẩu; cập nhật, điều chỉnh thông tin đơn vị hành chính khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến tháng 3/2025, số chứng thư chữ ký số đã được cấp đạt 15,1 triệu.
Hạ tầng dữ liệu cũng là một thành phần quan trọng trong bức tranh về hạ tầng số. Hiện đã có doanh nghiệp trong nước đưa ra những kế hoạch đầu tư trung tâm dữ liệu quy mô lớn như VNPT, Viettel, CMC, FPT và VNG. Trong đó CMC đang muốn đầu tư 500 triệu USD vào các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác đến năm 2028.
Đặc biệt, mạng 5G đã và đang được các cơ quan quản lý xác định là một thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, là nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu số trạm 5G đạt bằng 50% so với số trạm 4G. Hiện cả ba nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đã chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động 5G.
Dù vậy việc phổ cập 5G, phục vụ phát triển hạ tầng số cũng gặp thách thức. Ước tính đến cuối tháng 2/2025, tỷ lệ phủ sóng 5G cho người dân là 25,5%; số lượng trạm BTS 5G (trạm thu phát sóng di động) chưa đạt 10% so với số trạm BTS 4G hiện nay. Theo ghi nhận, hiện các doanh nghiệp chưa có kế hoạch rõ ràng trong việc triển khai nhanh BTS 5G dẫn tới nguy cơ không đạt được mục tiêu đã đề ra. Hiện trung bình mỗi nhà mạng đầu tư một năm chỉ xung quanh 5.000 trạm 5G. Do đó, thời gian tới, Nhà nước sẽ tham gia đầu tư hạ tầng số, đặc biệt về 5G để nâng mức đầu tư lên 20.000 trạm/năm nhằm phủ sóng nhanh hơn.
Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng mở đường cho việc thử nghiệm dịch vụ viễn thông vệ tinh tầm thấp. Đây là một trong những công nghệ chiến lược trong kết nối số, nhằm tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng viễn thông, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
