Hà Nội: Khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
![]() |
Cầu Vĩnh Tuy 2 đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 vốn thường xuyên ùn tắc |
Sáng ngày 30/8, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban QLDA) tổ chức lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1/2021, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng. Cầu có điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (Q.Long Biên). Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng dài 3,5 km, rộng 19,25 m.
Như vậy, sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được đưa vào khai thác, Hà Nội đang có 9 cầu qua sông Hồng, gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên và Văn Lang.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới, trên địa bàn Hà Nội sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu vượt sông Hồng để kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đại diện liên doanh nhà thầu Vinaconex - Trung Chính, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) chia sẻ, quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát, mặt bằng thi công của dự án là môi trường dưới nước với điều kiện thuỷ văn phức tạp.
Ngoài ra, việc vừa phải đảm bảo thi công đúng tiến độ, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn khai thác cầu Vĩnh Tuy hiện tại và đường thuỷ sông Hồng đoạn qua dự án là một trong các áp lực lớn đối với các nhà thầu.
![]() |
Lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 |
Theo ông Đào Ngọc Thanh, trước những khó khăn trên, Liên danh Vinaconex - Trung Chính đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tập trung nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết khi thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm.
“Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần đưa Dự án hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch và giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, đảm bảo chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối”, ông Thanh chia sẻ.
Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên cầu Vĩnh Tuy 2, người và phương tiện đi một chiều từ Hai Bà Trưng sang Long Biên. Cầu được phân làm 4 làn, trong đó ba làn dành cho xe cơ giới với tốc độ tối đa 60 km/h, một làn hỗn hợp xe máy và xe thô sơ tốc độ tối đa 40 km/h. Xe cơ giới và xe hỗn hợp được phân làn bằng dải phân cách cứng và biển báo.
Với cầu Vĩnh Tuy 1 (cầu Vĩnh Tuy cũ), người và phương tiện đi một chiều theo hướng từ Long Biên sang Hai Bà Trưng và được phân 5 làn xe. Có 4 làn xe cơ giới tốc độ khai thác tối đa 40 km/h, một làn xe hỗn hợp tối đa 30 km/h. Phân chia làn xe cơ giới với xe hỗn hợp bằng vạch sơn và biển báo hướng dẫn.
Phương án tổ chức giao thông trên sẽ được thực hiện từ ngày 30/8, ngay sau lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy 2.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
