Gieo mầm non hy vọng trên đỉnh Bản Mù
![]() |
Đại diện Khối Thi đua các tổ chức sự nghiệp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khảo sát vị trí xây điểm trường mới tại thôn Tà Ghênh |
Con đường gập ghềnh với những dốc dựng đứng đưa chúng tôi vượt qua những ruộng bậc thang bạt ngàn để đến được thôn Tà Ghênh. Địa hình hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mặc dù có diện tích lớn nhưng dân số của thôn Tà Ghềnh chỉ vẻn vẹn 173 hộ. Nơi đây là địa bàn sinh sống của đa số người dân tộc Mông, tập quán canh tác tự cung tự cấp, giao thông chỉ bằng đi bộ và xe máy đơn sơ nên tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn ở mức cao, chiếm trên 60% tổng số hộ.
Đèo chúng tôi trên chiếc xe Wave bạc màu nhưng khỏe sức, băng vút qua đoạn dốc cao, một cô giáo tại điểm Trường Mầm non Họa My tâm sự, “Tôi không sợ cái khó, cái khổ, tôi chỉ mong được đóng góp công sức của mình giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa biết được cái chữ, hy vọng cuộc sống của các em sau này sẽ đỡ vất vả hơn. May mắn là phụ huynh của thôn rất thích đưa con đến trường nên càng tiếp thêm động lực cho tôi hằng ngày vượt đèo, lội suối lên với trẻ”.
Đi được khoảng nửa chặng đường, bủa vây chúng tôi là mùi khét đặc của động cơ, chúng tôi phải xuống dắt bộ một đoạn. Cùng lúc ấy, anh Giàng A Mảy dắt con trâu đi làm nương về nhận ra ngay cô giáo. Dù chưa tới 40 tuổi nhưng sự khắc khổ hằn sâu trên khuôn mặt đen sạm của anh. Vừa đi vừa kể chuyện chúng tôi mới biết, gia đình anh Giàng A Mảy có 6 người con, đứa bé nhất được gửi ở điểm trường mầm non cụm số hai.
"Trước kia chỉ nghĩ đơn giản, nhà mình theo đạo, muốn đọc được kinh thánh thì phải cho con đi học con chữ. Nhưng mỗi ngày nhìn từng đứa lớn lên, đến lớp đều hoạt bát, học ngoan thì mừng lắm. Nhưng nhà đông con, làm nương chẳng có tiền, nghèo quá cũng từng nghĩ đến cho nghỉ nhưng thầy cô trong thôn đến nhà động viên mới hiểu, cho con đi học mới thoát khỏi kiếp khổ vì nghèo. Thế nên khó đến mấy cũng phải để con học được con chữ của thầy, cô", anh Mảy nói.
Chẳng phải riêng người lớn, trẻ em nơi đây cũng mang niềm vui tới trường trên khắp nẻo đường qua thôn. Chúng tôi may mắn gặp em Thào Xái Phia, 9 tuổi vừa cõng em từ điểm trường mầm non về nhà. Phia có đôi chân thoăn thoắt men theo con đường đất gập ghềnh đầy sỏi đá, bộ quần áo truyền thống dân tộc Mông được mẹ may cho từ năm ngoái, đến năm nay vẫn rộng thùng thình so với cân nặng của em. Cậu em trên vai Phia vẫn cười tươi rói trên lưng chị sau một ngày vui chơi trên lớp, trên tay giữ chặt cây bút chì ghì vào lòng như một thứ gì đó quý giá vô cùng phải bảo vệ.
![]() |
Những đứa trẻ sau giờ ở lớp được mẹ địu trên lưng trở về nhà |
Đã có hơn 30 năm gắn bó với phụ huynh và trẻ em trên mảnh đất này, cô giáo Trần Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa My kể về những kỷ niệm với chất giọng đầy cảm xúc. Cô giáo Oanh nhận công tác ở xã Bản Công từ năm 1990, sau nhiều lần điều chuyển công tác đi các nơi cô đã về Tà Ghênh đây tròn 5 năm. Ngày mới ra trường, mọi người hay trêu lên đây dạy ở lớp như "nhà vịt", nhưng đã nhiều năm cô Oanh vẫn ở đây, kiên trì và gắn bó với nghề giáo.
Điều kiện khó khăn nhưng tinh thần hiếu học của phụ huynh và trẻ em ở Tà Ghềnh cũng là niềm vui, động lực giúp cô hoàn thành nhiệm vụ "trồng người”. "Phụ huynh thích đưa con đến trường lớp lắm nên so với các cấp học khác số lượng trẻ mầm non trong một lớp luôn vượt con số 50 cháu. Đầu năm trẻ đông, cô giáo ở các điểm trường chưa nhận thêm, nhiều phụ huynh đã lặn lội lên tận điểm trường chính gặp hiệu trưởng để xin cho con tới lớp, sao mình nỡ từ chối. Thế nên tỷ lệ chuyên cần được các thầy, cô giáo báo cáo về hằng ngày ở các điểm của Trường Mầm non Họa My luôn ở mức cao", cô Oanh tâm sự.
Sau bao nhiêu năm cắm bản gieo chữ, giờ cô giáo như đã trở thành một người dân bản địa thực thụ, cô đã thuộc làu từng con đường, từng thôn bản, từng nóc nhà của những bản làng. Đi đến đâu cũng gặp học trò và phụ huynh cũ, muốn làm việc gì đều có người dân giúp đỡ hết mình. Mừng nhất là những người học trò khi xưa, nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.
Nhắc về trẻ em nơi đây, cô Oanh hồ hở nói, trẻ vùng cao dù mới 3-5 tuổi nhưng rất tự giác và thích đi học. Để tới lớp, hàng ngày các em đều tự đi bộ, vượt dốc cả cây số dù nắng hay mưa, trên vai khoác túi còn tay cầm cặp lồng đựng đồ ăn trưa. Đến bữa ăn trẻ đều tự xúc, tự sinh hoạt cá nhân. Đối với trẻ mới tới lớp, giáo viên chỉ mất khoảng 2-3 tháng đầu để hướng dẫn trẻ.
Tuy nhiên, điều kiện của trẻ vùng cao vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Bữa ăn của trẻ chưa được đảm bảo nên tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ chưa được cải thiện, hầu như không đủ chất, ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình học tập của trẻ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi của trẻ, nguồn kinh phí không nhiều, nguồn phụ huynh đóng góp rất ít ỏi.
"Riêng tại điểm trường thôn Tà Ghênh chỉ với ba lớp học, được lắp ghép bằng khung thép từ năm 2003 của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bản Mù chuyển lại, diện tích chật hẹp xuống cấp, không phù hợp với đặc thù mầm non, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Điều kiện vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học nên vẫn còn rất đông trẻ chưa được tới lớp", cô Oanh chia sẻ.
Thấu hiểu những nỗi lòng của phụ huynh và tình yêu nghề của những thầy, cô giáo xã Bản Mù, Khối Thi đua các tổ chức sự nghiệp NHNN cùng các nhà hảo tâm là các tổ chức, doanh nghiệp đã mang đến một niềm vui lớn từ dự án xây dựng điểm Trường Mầm non Họa My mới tại thôn Tà Ghênh. Đây là dự án nhằm mang lại mái trường khang trang, vững chắc cho trẻ mầm non vùng cao.
![]() |
Bản thiết kế điểm Trường Mầm non Họa My mới |
Điểm trường mới có diện tích hơn 1.400 m2 với kinh phí hỗ trợ xây dựng dự kiến gần 2 tỷ đồng. Để có được nguồn kinh phí này, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của 10 đơn vị trong Khối Thi đua các tổ chức sự nghiệp NHNN đã cùng nhau đóng góp mỗi người một ngày lương và sự tài trợ của một số doanh nghiệp. Số tiền đóng góp dành cho việc xây mới năm phòng học khép kín, sân chơi và tường rào xung quanh để đảm bảo an toàn cho trẻ.
"Nghe sắp có điểm trường mới, phụ huynh phấn khởi lắm, thôn có diện tích rất rộng nhưng chỉ có 2 điểm dân cư, điểm trường trước chỉ có 1 cụm được học gần nay chuyển địa điểm mới học sinh của 2 cụm đều thuận tiện, phụ huynh vừa đưa con tới trường vừa đi làm nương ở đây, tiện vô cùng", ông Giàng A Chú, Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết.
Đứng cùng chúng tôi trên mảnh đất mới sắp xây điểm trường, cô giáo Trần Thị Kim Oanh xúc động nói, hơn ai hết, các thầy, cô giáo vùng cao luôn tâm niệm, nỗ lực hết mình để thay đổi tư duy, trẻ em vùng cao được đi học nhiều hơn, học cao hơn thay vì chỉ biết chữ rồi đi nương rẫy. Chỉ có cái chữ mới giúp đồng bào nâng cao được nhận thức, thay đổi những thói quen, hủ tục lạc hậu, mới có cơ hội thoát được khỏi cái nghèo. Có điểm trường mới như tiếp thêm động lực để những thầy, cô giáo tiếp tục cống hiến cho vùng cao.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
