Giảm thuế cho doanh nghiệp là chính sách cần thiết, phù hợp
Ủng hộ đề xuất này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng cho biết, giảm thuế cho DN nhỏ, siêu nhỏ là giải pháp đúng hướng của Chính phủ để hỗ trợ cho khu vực này. Bởi, đây là những DN đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và đang rất khó khăn trong việc trụ vững, duy trì và phát triển. Đặc biệt 2 tiêu chí cụ thể về doanh thu và người lao động mà Chính phủ đưa ra là rất phù hợp, đơn giản, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận, dễ thực thi.
“Sớm một ngày, có thể DN sống, chậm 1 ngày, DN có thể chết. Tiền bạc là một chuyện nhưng suy cho cùng thời gian mới là quan trọng nhất. Đây không phải chỉ là giảm chi phí cho DN mà còn tạo ra cơ hội cho DN trong mọi tính toán về kế hoạch sản xuất kinh doanh để nắm bắt cơ hội, để vượt qua. Do đó, gói các giải pháp của Chính phủ về tài chính, không chỉ được xét ở góc độ tài chính, mà còn phải xét ở tính thời gian bởi nếu chậm thì sẽ giảm hiệu lực rất nhiều”, ông Lộc phát biểu.
![]() |
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV |
Ông cũng hy vọng, trong tương lai nếu tình hình DN còn khó khăn, Quốc hội có thể tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế này cũng như giảm thuế thu nhập DN nói chung, tất nhiên trên cơ sở cân đối ngân sách. “Số DN có phát sinh thu nhập để được giảm thuế không nhiều như năm trước, nên số DN được hưởng có thể không quá lớn. Do đó, chính sách này cũng phải phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác mà Chính phủ đưa ra trong chủ trương chung về hỗ trợ DN”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì cho rằng, khi dịch Covid-19 xảy ra, hầu hết các DN đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng với khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ nặng hơn, do khả năng tích luỹ, khả năng dự trữ để vượt qua khó khăn ít hơn so với các DN lớn. Vì vậy, chính sách của Chính phủ hướng vào nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ là phù hợp. Tất nhiên, đây không phải là chính sách dài hạn mà là chính sách giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt, tạm thời.
Về tiêu chí thực hiện, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đề xuất của Chính phủ là rất rõ ràng. Chúng ta đã có nhiều chính sách ban hành về loại DN này song tiêu chí phân loại các đối tượng được quy định khá phức tạp, không rõ ràng, người được thụ hưởng không biết để kê khai. Nên quy định rõ với 2 tiêu chí cụ thể về vốn và lao động như vậy thì sẽ thuận lợi cho DN kê khai và thực hiện.
Cũng ủng hộ chính sách này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, một số ý kiến cho rằng trong lúc dịch thì DN không có nhiều doanh thu, thu nhập để được giảm thuế, song đây là việc giảm thuế cho cả năm 2020, từ ngày đầu năm đến ngày cuối năm chứ không chỉ giảm thuế trong thời kỳ có dịch.
“Mức giảm thuế, quy mô giảm thuế như vậy, theo tôi cũng là rất phù hợp, đảm bảo cân đối nhiều yếu tố. Nếu giảm theo tiêu chí rộng hơn nữa, quy mô lớn hơn, thời gian kéo dài hơn đến hàng năm thì lúc đó ngân sách nhà nước lấy đâu ra nguồn thu, nhất là khi chi tiêu phải tăng để khắc phục hậu quả dịch bệnh, thu ngân sách giảm vì các hoạt động kinh tế suy giảm. Hơn nữa, công cụ thuế ở đây chỉ là một trong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng ta không thể trông hết vào chính sách thuế, mà còn có các chính sách hỗ về tín dụng, hỗ trợ cho người lao động, chính sách về bảo hiểm, chính sách về đất đai… Nếu các chính sách thuế cứ triển khai rộng quá thì vừa làm giảm thu lớn, vừa dễ dẫn đến hiện tượng trục lợi, cào bằng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập DN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN, bao gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. DN căn cứ quy định nêu trên để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập DN theo quý và quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020.
Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đối tượng áp dụng như dự thảo nghị quyết vì đối tượng áp dụng đã cơ bản thống nhất với đối tượng người nộp thuế quy định tại Điều 2 của Luật Thuế TNDN.
Giảm thu hơn 15,8 nghìn tỷ đồng Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng. Tuy nhiên đề xuất giảm thuế sẽ góp phần hỗ trợ các DN này vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho các DN có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Đây cũng là tiền đề giúp các DN có quy mô nhỏ phát triển, chuyển đổi thành DN có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo. |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
