Giảm nghèo nhanh và bền vững: Tính dễ bị tổn thương và tình trạng bất bình đẳng vẫn là những thách thức
Thông tin trên đã được chia sẻ tại Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 tại Hà Nội sáng nay (28/7).
Báo cáo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Ủy ban Dân tộc (UBDT), Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TCTK-MPI) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS).
Tỷ lệ đói nghèo còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số
Báo cáo đưa ra khẳng định trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào, với tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020.
Hơn nữa, trong khi 1/10 người nghèo về thu nhập trong năm 2014, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong thời kỳ trước đại dịch.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra mặc dù có những tiến bộ đáng kể về tổng thể, tính dễ bị tổn thương và tình trạng bất bình đẳng vẫn là những thách thức đáng kể.
![]() |
Tỷ lệ nghèo đói giảm trên diện rộng nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số |
Tình trạng nghèo về thu nhập thoáng qua đã tăng lên đáng kể trong đại dịch COVID-19, đặc biệt đối với người di cư và nhóm dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo đói giảm trên diện rộng nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như, tỷ lệ nghèo đa chiều của dân tộc H’Mông vẫn ở mức cao 45,1% vào năm 2020, mặc dù đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2012 - 2020.
Ngoài ra, có tới 1/5 người Khmer, Dao và các đồng bào dân tộc thiểu số khác thuộc diện nghèo đa chiều trong năm 2020. Các kết quả nghèo đa chiều có liên quan chặt chẽ đến những thành tựu tích cực trong việc thúc đẩy việc làm năng suất, tăng cường dịch vụ xã hội và trợ giúp xã hội.
Nhìn chung, thành tựu giảm nghèo đã được thúc đẩy bởi những bước tiến tích cực cả ở 3 trụ cột chính: mở rộng nhanh chóng việc làm năng suất, cải thiện đáng kể tiếp cận các dịch vụ xã hội và hệ thống trợ giúp xã hội.
Tỷ lệ lao động làm công ăn lương có việc làm, có năng suất đã tăng nhanh chóng trong thập kỷ qua, tăng từ 65,2% năm 2010 lên 80,2% năm 2014 và gần 90,7% năm 2020.
Tuy nhiên, việc làm có năng suất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Dữ liệu hàng quý của Điều tra Lao động Việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy, cho tỷ lệ lao động làm công ăn lương giảm 12,3% và 18,6% so với quý trước tương ứng trong quý II/ 2020 và quý III/ 2021.
Đáng nói về dịch vụ xã hội, báo cáo chỉ ra trong khi tiến bộ đã được ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục, kết quả học tập của học sinh vẫn chịu tác động mạnh bởi điều kiện gia đình. Điều này dẫn đến nghèo đói và bất bình đẳng duy trì qua các thế hệ.
Đặc biệt, mức thu nhập của gia đình và trình độ học vấn của người mẹ chi phối mạnh tới sự phát triển của trẻ trong thời thơ ấu và ảnh hưởng đến tỷ lệ hoàn thành cấp trung học phổ thông.
Hơn nữa, mặc dù chuyển đổi số trong giáo dục đã tăng tốc trong những năm gần đây, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức lớn. Kể từ sau đại dịch COVID-19, khi học sinh, sinh viên phải chuyển sang học trực tuyến, khoảng cách kỹ thuật số càng trở nên rõ rệt hơn.
Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân đã được cải thiện, nhưng sự chênh lệch vẫn còn. Cụ thể, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2021 có 91% dân số tham gia bảo hiểm y tế, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc khi tỷ lệ này chỉ đạt mức 76,5% vào năm 2015 - khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm, y tế vẫn đang chưa đáp ứng được mong đợi của người bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Cần cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng
Báo cáo đánh giá 1.400 bệnh viện trên toàn quốc năm 2019 của Bộ Y tế cho thấy, các bệnh viện tuyến huyện chỉ nhận được 3,02 điểm (trên thang 5 điểm chất lượng), thấp hơn mức trung bình chung của cả nước là 3,19 điểm. Hơn nữa, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em tiếp tục cản trở cơ hội phát triển và phát huy tiềm năng sau này của thế hệ này, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một ghi nhận khác mà báo cáo đưa ra đó chính là hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể theo hướng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng.
Đến năm 2021, hơn 16,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 33,8% lực lượng trong độ tuổi lao động, tăng 2,1% so với năm 2020. Trên 1,4 triệu người (chiếm 2,9% lực lượng lao động) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2021, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Hộ nghèo được trợ cấp xã hội để cải thiện đời sống. Các chương trình giảm nghèo đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, khu vực nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
![]() |
Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều sáng 28/7 |
Cũng theo báo cáo, hệ thống bảo trợ xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, lao động phi chính thức vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận hệ thống bảo trợ xã hội. Trong cả thập kỷ 2011-2020, tỷ lệ việc làm phi chính thức giảm dưới 2 điểm phần trăm, một mức giảm rất khiêm tốn trong một thời gian tương đối dài.
Thứ hai, trợ giúp xã hội cần được thay đổi căn bản về phương thức thực hiện. Hiện tại, chương trình trợ giúp tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và mức trợ cấp thấp. Vì vậy, chương trình không đủ khả năng ứng phó với các cú sốc quy mô lớn và mang tính hệ thống.
Những hạn chế căn bản còn tồn tại do chương trình vẫn dựa trên đăng ký cư trú (Hộ khẩu) hơn là định danh công dân. Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói, và xây dựng chính sách. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đại dịch COVID-19 khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.
Tại lễ công bố Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ: “Báo cáo cung cấp những phân tích chi tiết về việc làm năng suất, dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho mọi người và đây được coi như giải pháp hữu hiệu để duy trì thành tựu giảm nghèo đa chiều và đổi mới hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, khuyến nghị duy trì tốc độ giảm nghèo nhanh ở mọi khía cạnh và mọi nơi trong đó có các giải pháp hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới”.
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP Kanni Wignaraja nêu rõ năm khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh cho Việt Nam, bao gồm: các nỗ lực đầu tư và chính sách cần thiết để khuyến khích và cải thiện việc làm năng suất cao; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu vùng xa;
Mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; mở rộng việc sử dụng số hóa trong việc thực hiện, trong kinh tế tri thức, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch; và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công vì và do các cộng đồng dân tộc thực hiện.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
