Giải pháp nào để đảm bảo an ninh nguồn nước?
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, chuyên đề: “Môi trường nước các lưu vực sông” do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 31/7/2019, trong giai đoạn 2014-2018, chất lượng nguồn nước các sông thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn biến động khá rõ rệt. Chất lượng nước sông Vu Gia kém hơn sông Thu Bồn, hầu hết chỉ đáp ứng cho mục đích tưới tiêu và giao thông thủy. Kết quả quan trắc cho thấy nguồn nước cả 2 sông bị ô nhiễm do chất hữu cơ, chất dinh dưỡng với giá trị thông số BOD5 và thông số Amoni cao vượt quy chuẩn QCVN 08- MT:2015/BTNMT; thông số TSS thường ở mức cao vượt quy chuẩn tại hầu hết các điểm quan trắc trên 2 sông…
Tại khu vực hạ lưu sông Vu Gia và sông Thu Bồn, tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào các sông đã gây tác động xấu tới chất lượng nước và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Do các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn lưu vực sông tích nước trong thời gian mùa kiệt đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực hạ lưu các sông chính của Quảng Nam và Đà Nẵng. Tình trạng này gây ảnh hưởng xấu tới việc cấp nước sinh hoạt cho người dân TP. Đà Nẵng. Tại hạ lưu sông sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện, đoạn chảy qua huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An (Quảng Nam), nguồn nước thủy lợi bị nhiễm mặn nặng, khiến cho việc cấp nước cho hoạt động tưới tiêu nông nghiệp không thể thực hiện.
![]() |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xây dựng công trình thuỷ điện Đak Mi 4 khiến vùng hạ lưu sông Vu Gia thiếu nước trầm trọng. |
Những năm qua, việc xung đột do sử dụng nguồn nước cho các công trình thuỷ điện xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, ngay cả những năm lượng nước đảm bảo đúng công suất thiết kế. Việc xây dựng công trình thuỷ điện Đak Mi 4 trên phần thượng nguồn của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) dẫn đến không trả đủ lưu lượng nước mùa kiệt về sông Vu Gia (diễn ra từ năm 2011-2012 đến nay) khiến vùng hạ lưu sông Vu Gia, nhất là TP. Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng, nước nhiễm mặn rất nặng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho những người dân sống ở các vùng hạ lưu như: Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam). Nhà máy nước Cầu Đỏ cấp nước cho TP. Đà Nẵng bị nhiễm mặn 4 đến 5 tháng/năm; hệ thống đập dâng An Trạch không đủ cấp nước cho nông nghiệp huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trước tình trạng trên, ngày 6/5/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đồng chủ trì buổi làm việc về đánh giá biến động dòng chảy và đề xuất giải pháp công trình kiểm soát nguồn nước trên sông Quảng Huế.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, hiện tại có sự bất cập về dòng chảy qua sông Quảng Huế giữa mùa lũ với mùa khô. Trong khi việc điều tiết dòng chảy qua sông Quảng Huế vẫn cơ bản để ở trạng thái tự nhiên. Trạng thái cân bằng đạt được của dòng chảy qua sông Quảng Huế hiện tại là sự cân bằng phiếm định (dễ bị tổn thương). Bên cạnh đó, còn có sự chênh lệch khá lớn về mực nước giữa mùa khô và mùa lũ của đầu - cuối sông Quảng Huế.
![]() |
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước trên sông Quảng Huế sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán kỹ và sâu hơn cho cả khu vực. |
Điều đó đã tác động, dẫn đến sự mất cân bằng trên lưu vực sông và suy thoái lòng dẫn hạ du sông. Nguồn nước cung cấp cho hệ thống thủy nông phía Bắc tỉnh Quảng Nam bao gồm 4 đập dâng mới được nâng cấp của hệ thống An Trạch thiếu nguồn nước; trên 40 trạm bơm điện, đảm bảo tưới nước cho gần 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; không có nước phục vụ sinh hoạt cho các khu dân cư, công nghiệp của TP. Đà Nẵng vùng hạ du sông Vu Gia. Cạnh đó, với sự gia tăng dòng chảy từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn sẽ gây lãng phí tài nguyên nước về mùa khô.
Thực tế trên đã đặt ra một số vấn đề như: việc chuyển nước từ sông Vu Gia - Thu Bồn là tất yếu, theo quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, các giải pháp và tỷ lệ phân lưu hiện nay là không phù hợp đẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của cả Quảng Nam và Đà Nẵng.
Từ năm 2012-2019, lòng dẫn phía sau đập điều tiết lưu lượng trên sông Quảng Huế liên tục bị xói sâu và mở rộng lòng dẫn. Giải pháp công trình và vị trí bố trí công trình tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định rất lớn.
Về mùa khô, do phân lưu dòng chảy về sông Thu Bồn quá mức dẫn đến xâm nhập mặn sâu vào sông Vu Gia đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của cả 2 địa phương (mặc xâm nhập 2 chiều vào vùng giấp ranh sông Vĩnh Điện); Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Do đó, rất cần một giải pháp công trình và bố trí hợp lý nhằm chủ động kiểm soát, điều tiết được nguồn nước từ sông Vu Gia - Thu Bồn cả trong mùa khô và mùa lũ. Đồng thời, ổn định, phòng tránh sạt lở bờ sông Quảng Huế và đoạn sông Vu Gia giữa sông Quảng Huế cũ và mới.
Theo nghiên cứu, công trình gồm các hạng mục: Xây dựng đập trên sông Quảng Huế, kết hợp cầu giao thông đáp ứng yêu cầu kiểm soát nguồn nước chủ động điều tiết lưu lượng mùa kiệt, từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn; Xây dựng các hạng mục công trình chỉnh trị và ổn định bãi sông Quảng Huế; Nhà quản lý, kết hợp kiểm soát, giám sát vận hành cả hệ thống các công trình hạ du trên sông Vu Gia (An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít, Thanh Nít, Thanh Quýt...).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước trên sông Quảng Huế sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán kỹ và sâu hơn cho cả khu vực. Đồng thời, Bộ sẽ cùng 2 địa phương nghiên cứu đầu tư công trình hướng đến mục tiêu điều chỉnh, điều tiết nguồn nước và phòng chống sạt lở; ổn định cho hệ thống thuỷ lợi An Trạch. Quy mô công trình sẽ bao gồm khu vực đập Quảng Huế - An Trạch - Vĩnh Điện để giải quyết vấn đề cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong đó, sẽ nghiên cứu kỹ việc chọn vị trí và tác động khi triển khai đối với khu vực.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị 2 địa phương trong các buổi làm việc với Trung ương tiếp tục kiến nghị vấn đề này; các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai các công việc tiếp theo.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc nghiên cứu đắp đập là cần thiết. Thơi gian qua, TP. Đà Nẵng đã chủ động triển khai các giải pháp về đảm bảo nguồn nước nhưng vẫn rất khó khăn. Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo phối hợp của Bộ và sẵn sàng phối hợp với các đơn vị để giải quyết các vấn đề.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
