Gia tăng tội phạm có yếu tố nước ngoài
![]() | Tư vấn bảo mật khi sử dụng thẻ ATM |
![]() | Agribank lên tiếng về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo tại Agribank Cam Đường, Lào Cai |
Đặc biệt, việc sử dụng thẻ tín dụng giả để lừa đảo, liên quan đến hoạt động ngân hàng diễn ra khá tinh vi, gây không ít khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống loại hình tội phạm này...
![]() |
Bị cáo Ping Sanshi và Hao Yanjun tại phiên tòa sơ thẩm |
Mới đây, TAND TP. Đà Nẵng đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo Ping Sanshi và Hao Yanjun (quốc tịch Trung Quốc), về tội danh sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trước đó, các trinh sát của Phòng An ninh kinh tế, công an TP. Đà Nẵng nhận được thông tin có nhóm đối tượng người Trung Quốc thực hiện giao dịch rút tiền qua thẻ quốc tế có dấu hiệu bất thường.
Đơn vị chấp nhận thẻ thuộc Công ty TNHH Kỳ Nghỉ Đà Nẵng, trụ sở tại quận Ngũ Hành Sơn. Công ty này ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ với Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng để thanh toán các loại thẻ qua máy EDC của ngân hàng. Sau khi xác nhận nguồn tin, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và phát hiện Ping Sanshi và Hao Yanjun đang có hành vi dùng thẻ giả để rút tiền từ tài khoản của nhiều người ở nước ngoài.
Tại cơ quan điều tra, cả 2 đối tượng đã khai nhận sử dụng thẻ quốc tế giả để thực hiện nhiều lần giao dịch. Theo đại diện Phòng An ninh kinh tế, công an TP. Đà Nẵng các đối tượng sưu tầm dữ liệu mà chúng đánh cắp được của tài khoản người khác rồi dùng một loại thiết bị máy in in vào thẻ ATM trắng.
Sau đó, sử dụng để rút tiền, có lần rút thành công, nhưng cũng có lần thất bại. Sau 16 lần giao dịch thành công Ping Sanshi và Hao Yanjun đã rút được số tiền 225 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên Ping Sanshi 10 năm tù giam, Hao Yanjun 9 năm tù giam.
Trước đó, TAND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa tuyên phạt Joel David Richards (quốc tịch Anh) 5 năm tù, Rudy Manoel Dass (quốc tịch Hà Lan) 5 tháng 17 ngày tù cũng về tội danh sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, các đối tượng này đã cấu kết với một số đối tượng người nước ngoài khác, tiến hành lắp đặt thiết bị giấu kín tại một số trụ ATM ở Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam để lấy cắp thông tin của chủ thẻ, nhằm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, các đối tượng đã làm giả 49 thẻ ATM nhằm rút tiền tại các địa phương chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 325 triệu đồng.
Sau một thời gian dài hoạt động trót lọt các phi vụ, khi 2 đối tượng này vào Khánh Hòa tiếp tục thực hiện các hành vi phi pháp thì bị cơ quan chức năng, phát hiện bắt giữ. Ngay thời điểm bị bắt giữ, khám xét nơi ở của các đối tượng công an tỉnh Khánh Hòa đã thu giữ nhiều thẻ ATM giả, cùng các thiết bị liên quan đến việc lấy trộm dữ liệu của các chủ thẻ.
Cũng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện Troian Aleksei, Kotets Viacheslav và Bondarenko Yury (cùng mang quốc tịch Nga) có hành vi rút tiền tại các cây ATM bằng thẻ giả. Tại nơi lưu trú của các đối tượng, cơ quan công an đã thu giữ 160 thẻ ATM giả, gần 112 triệu đồng cùng nhiều ngoại tệ khác...
Có thể nói những “phi vụ” lừa đảo bằng công nghệ cao do các đối tượng thực hiện, hoặc liên quan đến người nước ngoài, được thực hiện khá tinh vi, hòng qua mặt các cơ quan chức năng. Thực tế, điểm lại các vụ sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại khu vực miền Trung, cũng như cả nước hầu hết đều do các đối tượng người nước ngoài thực hiện.
Tình trạng này diễn biến khá phức tạp tại các địa phương trọng điểm về du lịch như Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng hay Quảng Nam, Khánh Hòa... Hình thức chủ yếu của các đối tượng là lấy trộm thông tin, rồi làm giả thẻ các loại để giao dịch rút tiền, chuyển khoản, thanh toán, chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi. Bên cạnh, các đối tượng người nước ngoài, hám lợi tiếp tay còn có một số đối tượng trong nước.
Theo đại tá Trần Đình Liên, Phó giám đốc công an TP. Đà Nẵng, thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Nếu hành vi như vụ việc vừa qua không phát hiện kịp thời, ngăn chặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung, tình hình an ninh trật tự nói riêng, nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng...
Ngăn chặn tình trạng các đối tượng trong đó có các đối tượng người nước ngoài sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, đặc biệt là tội phạm thẻ, NHNN đã có văn bản số 2767/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm thẻ.
Trong đó, thường xuyên kiểm tra hệ thống ATM để phát hiện các thiết bị lạ dùng để lấy cắp thông tin khách hàng được gắn vào máy ATM. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận, giả mạo thẻ đang gia tăng hiện nay nhằm giảm thiểu những rủi ro, tổn thất cho các bên khi tham gia giao dịch thẻ.
Đồng thời, áp dụng các giải pháp công nghệ bảo mật tiên tiến đối với hệ thống thanh toán thẻ... Lực lượng công an ở các địa phương cũng đang nỗ lực cương quyết đấu tranh với tội phạm này. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi một cá nhân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo mật thông tin, sẵn sàng tố giác các đối tượng tội phạm đến cơ quan chức năng.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
