Giá cước vận tải hành khách dịp Tết: Nhiều ưu đãi nhưng vẫn “ế”
Giá vé dịp Tết ít biến động
Để kích cầu thị trường vào thời điểm Tết, các hãng hàng không, đường sắt và xe khách đều có những chính sách riêng để thu hút khách hàng, nhất là giá vé.
Theo khảo sát của phóng viên, các hãng xe khách đang nỗ lực giữ giá vé để duy trì hoạt động. Anh Vũ Vân Chương, chủ một nhà xe tuyến Hà Nội - Sài Gòn cho biết, hiện giá vé Tết dường như không thay đổi so với năm ngoái, vẫn ở mức 700.000-900.000 đồng/chiều, đáp ứng theo thị trường và nhu cầu của khách hàng.
![]() |
Hiện các hãng hàng không, đường sắt và xe khách đều có những chính sách riêng để thu hút khách hàng, nhất là giá vé |
Về phần mình, ngành đường sắt cũng giữ nguyên giá vé tàu Tết như năm ngoái. Hiện giá vé tàu Tết chặng Hà Nội - Sài Gòn ngày 26/12/2021 dao động từ 1.005.000-1.391.000 đồng/vé, tùy vào việc khách hàng muốn ngồi ghế mềm hay giường nằm. Trong khi đó, chặng Sài Gòn - Vinh lại ở mức giá cao hơn từ 1.900.000-2.054.000 đồng/vé. Tuy nhiên, lượng vé tàu Tết được bán ra vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm trước.
Đơn cử, theo đại diện Trạm vận tải đường sắt Hà Nội, lượng vé bán ra trên hệ thống từ ga Hà Nội đi các ga hiện mới chỉ đạt hơn 300 vé, bằng 10 - 15% so với cùng kỳ các năm trước. Tính chung toàn ngành đường sắt hiện mới bán được khoảng 7.000 vé Tết, doanh thu mới chỉ đạt 19% kế hoạch. Và có thực tế là số lượng vé tàu Tết cung ứng ra thị trường năm nay cũng thấp hơn năm trước. Nếu như lượng vé tàu Tết Nguyên đán 2021 là 90.000 chỗ thì Tết năm nay chỉ còn hơn 36.000 chỗ.
Thậm chí không chỉ giữ giá, không ít các hãng hàng không còn đồng loạt giảm giá vé máy bay Tết. Theo đó, các hãng như Vietnam Airlines, Bamboo, Jetstar Pacific... đồng loạt mở bán vé máy bay Tết ngay sau khi được mở các chuyến bay nội địa với giá "mềm" hơn rất nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều hãng đang mở bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán khởi hành ngày 26 tháng Chạp từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh chỉ từ 667.000 đồng/chiều đã bao gồm thuế, phí, thấp hơn nhiều so với mức 2.000.000-3.500.000 đồng/chiều của cùng kỳ những năm trước.
Bên cạnh đó, để đảm bảo ổn định cho thị trường vé tàu xe dịp Tết, các cơ quan chức năng cũng đã sớm vào cuộc và có những quy định rõ ràng. Đơn cử, mới đây Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và bán vé theo đúng quy định; không tùy tiện tăng giá cước, phụ thu khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên theo dõi, nhắc nhở đội ngũ lái xe thực hiện tốt công tác phòng dịch Covid-19; niêm yết số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời xử lý thông tin khi có phản ánh; Chỉ đạo bộ phận theo dõi an toàn giao thông túc trực 24/24 giờ...
Khách lo dịch, tài xế sợ "mất Tết"
Tuy nhiên, nếu như trước đây việc canh mua vé máy bay, vé tàu, vé xe khách dịp Tết luôn là nỗi lo thường trực của những người con xa xứ thì đến nay không ít người dân vẫn thờ ơ với vé Tết. Chị Phương Anh (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho biết, vào tầm này mỗi năm chị đều đặt mua ngay vé xe về quê ăn Tết. Tuy nhiên năm nay, các quy định cách ly của địa phương liên tục thay đổi, hơn nữa nỗi lo bùng dịch phát mạnh sau Tết là lý do khiến chị đợi tới gần ngày nghỉ Tết mới quyết định và mua vé.
Cũng trong nỗi lo vì dịch nhưng anh Tuấn Anh (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) lại có quyết định táo bạo hơn là không mua vé xe Tết mà tự lái xe máy về Long An để tránh tiếp xúc đông người. Càng gần Tết công việc của anh Tuấn Anh càng nhiều, thời gian của anh phụ thuộc vào tiến độ của công việc nên anh quyết định đi xe máy về quê để chủ động thời gian. Hơn nữa, cứ mỗi dịp Tết cảnh xếp hàng dài chờ xe cũng khiến anh cảm thấy không an toàn vì dịch bệnh vẫn còn lây lan trong cộng đồng, về quê còn lây bệnh cho người nhà thì coi như mất Tết.
Tạm gác nỗi lo an toàn trước dịch bệnh, không ít tài xế cũng nơm nớp sợ mất Tết vì vắng khách. Anh Trịnh Đăng Tâm, tài xế xe khách tuyến Hà Nội - Nha Trang cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, lượng khách đi lại rất ít, thậm chí nhiều chuyến xe phải chạy rỗng hoặc chỉ lác đác 5-6 khách khiến nhà xe gặp rất nhiều khó khăn. Giá vé không được tăng nhưng xe vẫn phải chạy đều để giữ thương hiệu, chỉ cần nghỉ vài chuyến là mất khách ngay. Nguồn thu nhỏ giọt nhưng ba chiếc xe đang chạy của anh đều đang gồng gánh nỗi lo cơm áo gạo tiền của gia đình anh và 5 lao động khác. "Tết này được khách nào thì quý khách đó, cứ có chút tiền lo cho gia đình trong thời gian này là tốt lắm rồi", anh Tâm nói.
Các nhà phân tích cho rằng, hiện các tỉnh thành về cơ bản đã có phương án phòng chống dịch ở mức độ cao nhất, độ bao phủ vắc - xin cũng dần tăng lên nhưng tất cả vẫn phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các địa phương. Để hỗ trợ người dân và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đi lại an toàn, cần tăng cường triển khai các kênh bán vé trực tuyến, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin và cập nhật tình hình dịch bệnh đến người dân để có phương án mới kịp thời dịp Tết.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
