Giả công an lừa tiền tỷ
![]() | Giả công an đi lừa đảo |
![]() | Giả công an chiếm đoạt tiền tỷ |
![]() |
Ảnh minh họa |
Chuyển tiền, nếu không sẽ… bị bắt!
Ngày 8/10, chị N.T.D. (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ số máy có mã nguồn ở nước ngoài, nhưng người này xưng là trung tá Trần Hữu Bình - Phó phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai và cho biết chị D. liên quan đến đường dây mua bán ma túy với số tiền hơn 3 tỷ đồng và yêu cầu chị phải khai báo các tài khoản hiện có để phục vụ điều tra.
Người này liên tục dùng nhiều số điện thoại khác nhau gọi cho chị D. đe dọa, yêu cầu chuyển 1,1 tỷ đồng, nếu không sẽ bị bắt tạm giam. Sau đó Bình liên tục giảm số tiền yêu cầu từ 1,1 tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng, sau đó hạ xuống 200 triệu đồng và gút lại còn 50 triệu đồng.
Thấy khả nghi, chị D. không chuyển tiền và bí mật báo với cơ quan công an. Phòng cảnh sát quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) – Bộ Công an xác định “không có trung tá Bình nào như thế” và người điện thoại cho chị D. ở khu vực tỉnh Lạng Sơn, giáp biên giới với Trung Quốc.
Không may mắn cảnh giác như chị D., bà L.M. (ngụ TP.Biên Hòa) cũng nhận được điện thoại của một người xưng là cán bộ Công an TP. HCM. Người này cũng nói bà M. liên quan đến đường dây ma túy lớn nên phải chuyển một số tiền lớn để “phục vụ công tác điều tra”. Thấy đối tượng biết tên, tuổi, địa chỉ và đọc đúng chính xác số chứng minh nhân dân của mình và hứa kiểm tra xong không có vấn đề gì sẽ chuyển tiền lại, bà M. đã chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản được cung cấp.
Cũng như vậy, để lừa anh N.V.P. (ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), các đối tượng gọi điện và sau khi cho anh nghe còi hụ xe cảnh sát qua điện thoại đã khẳng định, gia đình anh liên quan đến rửa tiền của tổ chức buôn bán ma túy. Chúng yêu cầu anh chuyển số tiền 500 triệu đồng để điều tra, nếu không có liên quan sẽ chuyển trả lại. Sợ những người trong gia đình dính dáng đến công an, sẵn có tiền đền bù giải toả mặt bằng vừa nhận được, anh P. đã chuyển cho đối tượng trên.
Nhờ ngân hàng ngăn chặn
Ngày 30/9, bà N.T.T. (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an. Người này nói bà T. có liên quan trong một vụ buôn bán ma túy tại tỉnh Thái Nguyên nên yêu cầu bà phải chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng để kiểm tra.
Chúng còn dặn bà T. là không được nói chuyện này cho ai biết, vì đây là án của lực lượng công an đang điều tra. Vừa bị điện thoại liên tục, vừa bị lời đe dọa bắt giữ, bà T. sợ hãi đã ra Agribank chi nhánh Trảng Bom để chuyển khoản. Tại đây, bà T. được nhân viên ngân hàng hỏi han. Sau khi nghe câu chuyện của bà T, nhân viên ngân hàng này đã giúp ngăn chặn kịp thời việc lừa đảo này.
Lãnh đạo Đội cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, PC46, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian vừa qua đã nhận được rất nhiều tin báo của người dân về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn bằng thủ đoạn trên.
Các đối tượng này dùng điện thoại kết nối Internet, hoặc dùng nhiều số điện thoại khuyến mãi để liên lạc vào máy điện thoại của nạn nhân.
Theo cơ quan công an, đây là thủ đoạn không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn sử dụng và nhiều người bị dính bẫy. Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 3 vụ với 4 bị can và thu hồi khoảng 2 tỷ đồng trả cho nạn nhân.
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định, theo quy định nếu muốn làm việc với công dân, cơ quan công an phải gửi giấy mời người đó đến trụ sở cơ quan công an, chứ không gọi điện thoại. Do đó, người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo trên.
Tin liên quan
Tin khác
