Dự báo Đà Nẵng tiếp tục khó khăn nguồn nước
Trong 10 năm gần đây, Đà Nẵng đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ và trên diện rộng, thậm chí có nhiều đợt kéo dài. Hiện có đến 90% nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương được khai thác tại sông Yên và sông Cẩm Lệ, thuộc hạ du sông Vu Gia.
![]() |
Cần có giải pháp để ứng phó kịp thời với tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn |
Năm 2023, dự báo thành phố tiếp tục khó khăn về nguồn nước. Theo dự báo, từ tháng 1 đến tháng 12/2023 của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, có khả năng mùa khô năm 2023, Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ chịu nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn và có lượng mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, từ tháng 4 - 6/2023, tổng lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam phổ biến thấp hơn từ 5-10% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 – 9/2023, lượng mưa tại khu vực này có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Chính vì vậy, việc lên phương án sẵn sàng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho Đà Nẵng vào mùa khô năm nay được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đang phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương liên quan và tham vấn ý kiến chuyên gia trong công tác kiểm kê, đánh giá nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đồng thời, rà soát, tổng hợp các nguy cơ có thể xảy ra dẫn đến thiếu nguồn nước thô như: hạn hán, xâm nhập mặn; bất cập trong việc vận hành của các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; việc phối hợp vận hành đập dâng An Trạch; hoạt động của Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Đồng thời, cần sớm đưa công trình Nhà máy nước Hòa Liên trên sông Cu Đê vào vận hành.
Cùng với đó, hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương tháo gỡ các khó khăn liên quan đến nguồn cát đắp để hoàn thành đập ngăn mặn Tứ Câu, đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Việc thiếu nước tại Đà Nẵng và Quảng Nam đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục hiệu quả. Theo các chuyên gia, việc nhiễm mặn ở khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ kéo dài hơn 10 năm gần đây, gây thiếu nước sinh hoạt, nguyên nhân khách quan chính là nguồn nước từ thượng lưu bị suy giảm, không đủ sức đẩy mặn xâm nhập hạ du như trước đây và tình trạng xói lở ở lưu vực sông Quảng Huế trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) làm gia tăng tỷ lệ phân lưu nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn lên đến 43% vào đầu năm 2021, trước đây chỉ khoảng 20%.
Các chuyên gia cũng cho rằng, quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chưa được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ thủy điện thực hiện nghiêm túc trong những năm qua. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biến động mực nước sông Vu Gia và khó khăn trong việc khống chế tình trạng xâm nhập mặn sâu ở sông Cẩm Lệ...
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, hàng năm UBND TP. Đà Nẵng đều xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn để đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Trên cơ sở đó, giúp các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động nắm bắt tình hình để triển khai kịp thời các phương án phù hợp, sao cho kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các nguồn nước trên địa bàn và tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đối với các suối và các hồ là nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, thực hiện giám sát việc chấp hành các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và tình hình thực hiện các quy định tại giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt do UBND thành phố cấp cho các tổ chức khai thác, sử dụng nước…
Đối với các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, thực hiện giám sát việc vận hành của các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và việc thực hiện trách nhiệm của chủ các hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg.
Đối với việc vận hành hệ thống cấp nước nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước, thực hiện giám sát các tổ chức quản lý, vận hành hệ thống cấp nước về việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và vận hành hệ thống cấp nước nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước.
Đồng thời, giám sát tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống thấm và bảo đảm vận hành hệ thống với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước hợp lý, hiệu quả và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước…
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ
