Dư âm sau kỳ nghỉ lễ
![]() |
Ảnh minh họa |
Đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ngành du lịch tại nhiều địa phương đã “hốt bạc” do lượng khách tăng cao. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội sau 4 ngày nghỉ lễ đạt khoảng 289,5 nghìn lượt khách, tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt hơn 54 nghìn lượt, khách du lịch nội địa đạt khoảng 235,4 nghìn lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 867 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cũng cho biết, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong đợt nghỉ lễ vừa qua ước đạt gần 100 nghìn lượt người, riêng thị trấn Sa Pa đón khoảng 74 nghìn lượt khách, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả cơ sở lưu trú tại Sa Pa cùng 117 nhà nghỉ homestay tại các thôn, bản đều sử dụng hết công suất.
“Nổi” không kém là khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng đã có khoảng 350 nghìn du khách. Thống kê từ ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết đã đón 420 nghìn lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Quảng Bình, có hơn 100 nghìn lượt khách du lịch đã đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh đều kín phòng, nhất là các khách sạn từ ba sao trở lên. Ngoài ra, các báo cáo từ ngành du lịch tại Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Điện Biên, Bình Định, Cần Thơ, An Giang, Thanh Hóa… cũng cho thấy tất cả số liệu về du lịch đều tăng vọt.
Có thể nói bức tranh du lịch Việt đợt nghỉ lễ vừa qua có nhiều sắc màu vui, nhưng đồng thời nó cũng để lại những dư âm buồn khiến nhiều người trăn trở. Do cầu vượt quá cung nhiều lần nên tình trạng “vỡ trận” tại các địa điểm du lịch trong đợt nghỉ lễ vừa qua đã diễn ra. Tại bãi biển Sầm Sơn, Đồ Sơn, Cửa Lò… tình trạng quá tải kéo dài suốt kỳ nghỉ lễ. Hình ảnh tràn lan trên các mạng xã hội là người người nhà nhà chen nhau “giành từng mét” nước biển để tắm.
Trong khi đó, tình trạng “người đi, rác ở lại” cũng xuất hiện ở hầu hết các điểm du lịch, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống cũng như hình ảnh du lịch Việt. Bên cạnh đó, nhiều du khách cũng cho biết, tình trạng “chặt chém” giá phòng khách sạn, nhà nghỉ tại nhiều nơi đã tái xuất, một số nơi giá thuê phòng đã tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Ở những địa điểm mà khả năng phục vụ bị quá tải, khách du lịch dở khóc dở cười khi “ở không đành, rút không xong”.
Cho dù tình trạng quá tải tại các điểm du lịch diễn ra nặng nề hơn trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, nhưng đó cũng là vấn đề “đến hẹn lại lên”. Chính vì thế, đã đến lúc ngành du lịch tại các địa phương cần rút ra những kinh nghiệm cho mình để có giải pháp ứng phó tốt nhất vào trước, trong mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày như vừa qua.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ

TP. Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị cho đại lễ 30/4
