Dư âm một bản án
Ngày 9/6/2014, bản án của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã kết luận bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã phạm 4 tội và phải chịu hình phạt, tổng hợp lên đến 30 năm tù, mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn theo quy định của Bộ luật Hình sự. Song, đó đây vẫn còn ý kiến cho rằng, hình phạt đó là quá nhẹ so với hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Đức Kiên và một số bị cáo, trong đó có hai thân chủ của tôi.
![]() |
Cần một bản án có sức thuyết phục trước dư luận xã hội |
Cuộc tranh luận dân chủ và lời nói cuối cùng
Trong lời luận tội, hai vị công tố vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố trong cáo trạng. Các luật sư trình bày những bài bào chữa được chuẩn bị và sửa chữa, bổ sung rất công phu sau giai đoạn xét hỏi. Chủ tọa điều khiển phiên tòa đã tạo ra một không khí dân chủ thật sự cho hai bên trình bày quan điểm. Trong phần đối đáp, các tài liệu, chứng cứ được các luật sư đưa ra phân tích, đánh giá mang tính xác thực để bảo vệ quan điểm bào chữa của mình.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận mặc dù rất dân chủ, nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng sâu thẳm của sự thật. Đó là những điều cơ bản, mấu chốt đã được đặt ra mà nếu không trả lời rõ ràng thì bản chất thật của vụ án vẫn chưa được làm rõ. Chẳng hạn như:
- Tại sao kết tội bị cáo Kiên cùng hai đồng phạm “Lừa đảo…” trong khi đại diện Công ty Thép Hòa Phát lại trả lời trước Tòa rằng ông Kiên không lừa đảo và công ty này cũng không có đơn tố cáo vì không bị thiệt hại gì?
- Tại sao kết tội ông Kiên “Trốn thuế” mà đại diện Chi cục Thuế quận Đống Đa - Hà Nội lại không xác định được Nhà nước có bị thất thu thuế không, đành phải nhờ vào Hội đồng xét xử quyết định và Chi cục thuế sẽ chấp hành quyết định ấy trong bản án?
- Tại sao kết tội ông Kiên “Kinh doanh trái phép” mà trước phiên tòa, đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại không xác định hành vi góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán thuộc ngành nghề phải đăng ký kinh doanh theo Luật DN. Các luật sư còn trưng ra những văn bản trả lời DN của các cơ quan này rằng lĩnh vực đó không phải đăng ký kinh doanh?
Trên đây là những vấn đề còn chưa rõ trong việc chứng minh tội phạm qua cuộc tranh luận công khai tại phiên tòa, để thấy rằng, đó là những dư âm còn lại sau phiên tòa sơ thẩm. Phải trả lời cho rành rọt những vấn đề ấy thì bản án mới có sức thuyết phục trước dư luận xã hội.
Có lẽ, trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, chưa có bị cáo nào như bị cáo Nguyễn Đức Kiên có lời nói cuối cùng dài và được Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho nói như thế. Người nghe có cảm tưởng bầu Kiên đã rút ra từ gan ruột mình những điều ấp ủ khiến cả pháp đình lặng yên mà không gây ra một sự phản cảm nào.
Có thể nói, phiên tòa này cũng là một phiên tòa lịch sử về lời nói cuối cùng của một bị cáo. Tôi nghĩ đây là nét văn hóa - nhân đạo của một phiên tòa hình sự dưới sự chủ tọa của ông Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội.
Vi phạm luật hay “lách luật”?
Tôi rất ấn tượng với câu trả lời trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi ông thẳng thắn cho biết “Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới”! Tôi cũng rất tâm đắc với lời kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về thực trạng có tới 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Ông đã bày tỏ sự lo lắng về hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề, tồn tại. “Vừa chậm, vừa sai mà nếu sai rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và của DN. Đây là một thiếu sót, yếu kém…Tôi thấy rất nghiêm trọng. Nếu đem 312 cái đó ra mà thi hành thì cũng chết, mà nếu không thi hành thì những cán bộ thực thi cũng vi phạm pháp luật”.
Câu nói này của Chủ tịch Quốc hội có thể “giải mã” để tìm ra bản chất của vụ án Nguyễn Đức Kiên, giúp ta nhìn thấu hơn những hành vi mà ông ta và các bị cáo đã thực hiện.
Không biết trong 312 văn bản trái pháp luật này, có văn bản nào các cơ quan tố tụng đã áp dụng để đánh giá hành vi của các bị cáo hay không?
Chính thực trạng chậm ban hành văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn Luật đã làm ảnh hưởng đến việc thực thi quy định của Luật DN về quyền tự do kinh doanh, về nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Sự chậm trễ ban hành các văn bản đó đã làm vô hiệu hóa hiệu lực của Luật.
Tâm lý và ý thức pháp luật của các cơ quan áp dụng pháp luật đã chỉ ỷ lại vào các văn bản này để thi hành mà không cần quan tâm đến hiệu lực của Luật, đã dẫn đến việc đánh giá không đúng hoặc chưa đúng bản chất của các hành vi kinh doanh.
Điều này được thể hiện rất rõ trong phiên tòa khi điều tra công khai về các hành vi “Trốn thuế”, “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái…” của các bị cáo. Những tiêu chí để đánh giá, xác định có hay không có hành vi phạm tội đã không rõ ràng, dẫn đến việc hiểu không đúng về tinh thần và nội dung của các quy định, khiến các cơ quan chuyên môn cũng lúng túng khi xác định tính pháp lý về có hay không có sự vi phạm trong các hành vi của bị cáo.
Nhìn vào bản chất của hành vi, những người nghiên cứu đã thấy rõ một điều: Nguyễn Đức Kiên đã có am hiểu sâu sắc về các quy định của pháp luật và bám vào nguyên tắc quy định về quyền tự do kinh doanh, về việc công dân được làm những gì pháp luật không cấm để “lách luật. Vấn đề đặt ra là “lách luật” có phải là vi phạm pháp luật không? Và nếu có thì phải được quy định rõ trong văn bản pháp luật nào?
Không phải ngẫu nhiên mà trong lời nói cuối cùng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã gửi gắm lòng tin vào Hội đồng xét xử rằng: Bản án của Hội đồng xét xử không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi mà sâu sa hơn, còn là một bằng chứng cho thấy đất nước này có một Nhà nước pháp quyền và pháp luật công minh!
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
