Đồng vốn ngân hàng - điểm tựa trong khó khăn
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm, đại dịch đã tước đi cơ hội việc làm cũng như thu nhập của hàng triệu người lao động, hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở khắp các ngành kinh tế. Trong hoàn cảnh ấy, chính đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng sẽ là điểm tựa để người lao động tìm được lối ra trong khó khăn.
Chật vật mưu sinh trong đại dịch
Bước vào “năm COVID thứ hai”, nền kinh tế tiếp tục bị tàn phá nặng nề kéo theo cuộc sống bấp bênh của hàng triệu lao động ở các ngành nghề. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động quý I/2021 ghi nhận cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 971,4 nghìn người; tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý đầu năm nay là gần 1,1 triệu người.
Rõ ràng, đại dịch đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.
![]() |
Nhiều hộ kinh doanh và người lao động gặp khó khăn trong đại dịch đã được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi |
Là tài xế lái xe taxi đã được gần 3 năm nay, anh Nguyễn Văn Quang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chưa bao giờ lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện tại. Dịch đến, mọi người đều hạn chế di chuyển ngoài đường, nếu bắt buộc phải đi thì sẽ ưu tiên phương tiện cá nhân nên việc đỗ xe cả ngày nhưng vắng khách là tình trạng chung của anh Quang và rất nhiều tài xế xe taxi khác. Ngày nào may mắn, thu nhập của anh vào khoảng từ 400.000 - 600.000 đồng nhưng cũng không là bao so với tiền xăng xe, phí hoàn lại cho hãng. Lo lắng vì dịch vẫn diễn biến phức tạp, anh nghĩ tới chuyện trả xe để tìm một công việc khác như ship hàng online để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Chị Đỗ Thu Trang, tổ dân phố Đoàn Kết, phường Vạn Phúc, cũng chia sẻ: Do hai vợ chồng không có bằng cấp nên chỉ có thể làm những công việc tự do, ai thuê gì làm nấy. Tuy nhiên, dịch đến, các công việc đang có đều không còn, cuộc sống của cả gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn.
Không chỉ những lao động tự do, ngay cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng trở thành nạn nhân của đại dịch. Vốn kinh doanh hàng ăn buổi sáng, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, thuộc tổ dân phố 1, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm cho biết, tuy hàng ăn của chị quy mô không lớn nhưng vẫn đủ để chị lo cho cuộc sống gia đình của hai vợ chồng và con nhỏ. Thế nhưng đợt dịch lần thứ 4 quay trở lại khiến chị buộc phải đóng cửa hàng để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng. Nguồn sống của cả gia đình bỗng chốc không còn, chị Ngọc đành phải tìm đến kênh bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.
Theo khảo sát tại làng lụa Vạn Phúc - làng lụa lớn nhất tại Hà Nội, tình hình kinh doanh của các hộ kinh doanh tại đây cũng gặp muôn vàn khó khăn. Khách vắng bóng, hàng sản xuất ra tồn đọng trong kho, các đơn hàng đều bị hoãn khiến dòng vốn để xoay vòng gặp nhiều trắc trở. Đây cũng là tình trạng khó khăn chung của nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội.
Đồng vốn quý giá từ ngân hàng
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống của người dân, ngành Ngân hàng đã nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/1/2020 đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.
Xuống đến từng ngân hàng, tất cả các nhà băng cũng đang nỗ lực chung tay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có cả người lao động, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Đơn cử như tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), số liệu cập nhật hết 4 tháng đầu năm 2021 cho thấy, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHCSXH cũng đã áp dụng biện pháp gia hạn nợ cho 4.653 lượt khách hàng; cho vay bổ sung 1.376 tỷ đồng với 47.995 lượt khách hàng; cho vay mới 30.823 tỷ đồng với 845.691 lượt khách hàng.
Riêng tại NHCSXH Chi nhánh TP. Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021, chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đạt dư nợ 4.534 tỷ đồng với 105.000 khách hàng đang được vay vốn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Hà Đông, cho biết dư nợ từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay giải quyết việc làm, đặc biệt là các hộ kinh doanh gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Phòng giao dịch đã chủ động kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn để rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đảm bảo nguồn vốn tín dụng đến được đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng giúp bà con khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Đồng thời, Phòng giao dịch cũng kết hợp với UBND phường để tổ chức các điểm giao dịch tại phường, đảm bảo đúng nguyên tắc phòng, chống dịch khi bà con đến vay vốn, từ đó góp phần vào thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế” của Chính phủ.
Vừa được vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để kinh doanh quần áo online, chị Đỗ Thu Trang, tổ dân phố Đoàn Kết, phường Vạn Phúc chia sẻ, những đồng vốn quý giá này sẽ là kế sinh nhai giúp gia đình chị vượt qua đại dịch.
Chị Vi Bích Nguyệt, chủ một cửa hàng kinh doanh lụa tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cũng tâm sự, nhờ nguồn vốn ưu đãi kịp thời từ ngân hàng, chị đã có dòng vốn để xoay vòng trong kinh doanh trong lúc khó khăn vì dịch bệnh, qua đó duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có đủ tung ra thị trường ngay khi dịch kết thúc.
Mới đây, Vietcombank cũng quyết định giảm đồng loạt lãi suất cho vay và phí trong 3 tháng cho khách hàng ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Theo đó, thời gian giảm lãi suất cho vay và phí trong 3 tháng từ 1/6 đến hết 31/8 đối với khách hàng trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh với mức giảm 1% lãi suất đối với vay bằng đồng Việt Nam và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại địa bàn hai tỉnh trên.
Ngoài giảm lãi vay, ngân hàng này còn giảm 50% phí đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản (gói tài khoản, phí rút tiền…) đối với khách hàng cá nhân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trợ lực quý giá từ phía ngân hàng với nguồn vốn ưu đãi sẽ phần nào hỗ trợ người lao động và cả các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vượt qua được những tác động của dịch bệnh, có động lực để phát triển trong tương lai.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ).
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
