Dòng tiền sẽ tìm đến những ngành tăng trưởng lợi nhuận và P/E hợp lý
![]() |
Các chính sách đã tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng |
Ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cho biết Việt Nam là một trong những nước có chính sách tiền tệ và tài khóa rất linh hoạt. Khi cả thế giới đang trong giai đoạn chống lạm phát và thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế và có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Các chính sách đã tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, nhất là đối với chính sách tiền tệ. Việc giảm lãi suất tiết kiệm cũng như giảm lãi suất cho vay sẽ giúp cho doanh nghiệp “dễ thở” hơn về chi phí vốn.
“Trên cơ sở thống kê những dữ liệu mà SHS có được, kết quả kinh doanh của quý II/2023 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE và HNX vẫn là tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng âm đã giảm đi so với quý I, như vậy cũng có thể coi là điểm tích cực dần lên. Thứ hai, kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất giảm thì rõ ràng thu nhập từ tiền gửi cũng giảm. Trong bối cảnh đó, dòng tiền của nhà đầu tư đã chuyển vào thị trường chứng khoán, phần nào lý giải cho đợt phục hồi mạnh vừa qua của thị trường. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như là bất động sản thì sẽ cần có thêm thời gian để các chính sách có tác động rõ ràng hơn”, ông Hồ Ngọc Việt Cường trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cũng cho biết, trong nửa đầu năm, các cơ quan chủ quản đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như bốn lần giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tiền tệ, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhờ các biện pháp này, lãi suất huy động niêm yết của các ngân hàng thương mại, đã giảm mạnh so với thời điểm cuối quý III và quý IV/2022. Song song với đó, một số dự án hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ, giúp tỷ lệ giải ngân đầu tư công đã có sự cải thiện so với cùng kỳ các năm trước.
Mặc dù vậy, xét về mức độ phục hồi của các ngành nghề kinh doanh chưa thấy có sự đồng đều. Những ngành cho thấy kết quả kinh doanh cải thiện đa số là các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tiền tệ nới lỏng, hoặc những nhóm ngành từng bị ảnh hưởng nặng bởi chi phí đầu vào cao trong các năm trước.
Trong khi đó, những nhóm ngành liên quan đến niềm tin và chi tiêu tiêu dùng, cũng như phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.
“Tôi kỳ vọng trong nửa cuối năm, do độ trễ của chính sách, thì lãi suất cho vay thực tế trong nền kinh tế sẽ giảm nhiều hơn, đồng thời cùng với sự hồi phục của kinh tế thế giới, hiệu ứng lan tỏa của việc đẩy mạnh đầu tư công và các gói tài khóa hỗ trợ tiêu dùng (như tăng lương cơ bản, giảm, giãn các loại thuế phí...) sẽ có hiệu quả thực tiễn nhiều hơn”, bà Phương Lam nhận định.
Về định giá của thị trường hiện nay, ông Hồ Ngọc Việt Cường cho biết trong khoảng hai tháng qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh, hồi phục trên 20%. Thực tế, không chỉ Việt Nam mà thị trường chứng khoán toàn cầu như Mỹ, EU hay Nhật Bản cũng đã có những bước hồi phục mạnh.
Theo quan điểm của SHS, hiện tại, mặt bằng giá P/E của chúng ta không quá thấp, đang ở mức trên 17, một số dữ liệu của các đơn vị khác quanh mức 15, thậm chí 18. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhà đầu tư kỳ vọng rằng khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi và tăng trưởng lợi nhuận trở lại, đã dẫn đến P/E tăng lên. Do vậy, P/E ở mức 17 vẫn được coi là còn cơ hội để đầu tư. Song, sau giai đoạn tăng trưởng vừa qua, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đã có những khoản lợi nhuận nhất định nên thị trường vẫn sẽ phải đối diện với một ngưỡng cản sắp tới là quanh mức 1.300 điểm, đây cũng là mức đỉnh phục hồi của những đợt sóng cũ, và thị trường cần phải có một khoảng thời gian tích lũy thêm.
Với những rủi ro hiện hữu, ông Cường cho biết dù các nhà đầu tư đang có một kỳ vọng lớn về việc nền kinh tế vĩ mô của chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại, tuy nhiên kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thương mại quốc tế rất lớn. Gần đây, các tổ chức lớn đã có những dự đoán tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2023 vẫn là một năm khó khăn, bởi vì tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù được dự báo tích cực hơn nhưng mức dự báo mới vẫn thấp hơn so với năm 2022.
Đặc biệt là gần đây, liên quan đến cuộc xung đột diễn giữa Nga và Ukraine, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã chấm dứt, cùng với đó là Ấn Độ, một quốc gia xuất khẩu lớn về gạo cũng đã hạn chế việc xuất khẩu gạo. Như vậy, rõ ràng nguy cơ bùng phát lại lạm phát vẫn còn đó, đặc biệt là ở Châu Âu.
Thứ hai, về dầu mỏ và năng lượng, hiện tại dự trữ dầu mỏ của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong hơn 40 năm qua. Mùa đông sắp đến trong khi mùa hè năm nay rất nóng, khiến giá dầu thô trên thế giới có xu hướng tăng dần lên
Như vậy, nguy cơ về lạm phát bùng phát hoặc là kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn. Do vậy, việc thị trường chứng khoán mặc dù chúng ta kỳ vọng nhưng cũng nên thận trọng. Ngưỡng 1.300 điểm có thể đạt được nhưng đến giai đoạn đó sẽ có sự phân hóa nhiều hơn.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam thì cho rằng xét trên bình diện chung toàn thị trường, mức P/E hiện của thị trường không phải quá cao nếu nhìn trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cụ thể là tháng 8 và đầu tháng 9, thị trường thường rơi vào giai đoạn trống thông tin, do đó, khả năng điều chỉnh có thể xảy ra, nhất là sau nhiều tuần liên tiếp tăng điểm tích cực và chỉ dựa vào kỳ vọng tương lai hơn là kết quả kinh doanh thực tế trong 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một sự phân hóa khá rõ rệt về P/E giữa các nhóm ngành, trong đó một số nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tiền tệ, hoặc hưởng lợi gián tiếp sau các biện pháp tài khóa và kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, đang là những ngành được trả một mức P/E cao và ngược lại.
Do vậy, sự điều chỉnh này sẽ không diễn ra trên diện rộng mà chỉ ở những nhóm ngành đã tăng nhanh trong thời gian ngắn khiến định giá không còn hấp dẫn. Dòng tiền sẽ luân phiên tìm đến những nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận và P/E còn hợp lý để giải ngân, giúp cân bằng lại sự điều chỉnh do chốt lời ở các nhóm ngành khác.
Về quản trị vốn đầu tư, ông Cường thấy rằng tỷ trọng phần lớn các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay là cá nhân và thông thường họ sẽ tham gia mang tính chất ngắn hạn nhiều hơn, họ cũng sẽ mua những cổ phiếu có hy vọng tăng trưởng cao. Ngưỡng 1.300 điểm là ngưỡng cản và sau đó mới có thể tích lũy lại được. Nếu như trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô phục hồi, có thể thị trường sẽ bùng nổ và tạo cạnh tranh mạnh hơn, nhưng phải qua giai đoạn tích lũy của thị trường. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư cần phải phân tích kỹ hơn về các doanh nghiệp, về các tiềm năng tăng trưởng, cũng như các ngành nghề được hưởng lợi trong bối cảnh này để chúng ta cơ cấu.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam thì cho rằng trước hết nhà đầu tư cần xác định được khả năng chấp nhận rủi ro và cũng như nguồn vốn đầu tư là vốn ngắn hay dài hạn. Trong tương quan với thời hạn đầu tư đã xác định như vậy, khả năng duy trì lợi nhuận của doanh nghiệp trong cùng khoảng thời gian như trên là khả quan hay không. Nếu những điều nhà đầu tư kỳ vọng về doanh nghiệp khi đầu tư vào cổ phiếu được công bố, đó là thời điểm nên cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận.
Ngược lại, nếu nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn tích lũy dài hạn, nhà đầu tư có thể cần đánh giá khả năng duy trì lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai, và kiểm chứng qua từng kỳ báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bán ra chỉ nên thực hiện nếu trong nhiều kỳ liên tiếp mà doanh nghiệp không đạt được những kế hoạch hay mục tiêu mà ban lãnh đạo đã đặt ra.
Tin liên quan
Tin khác

Cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục của thị trường chứng khoán

Dòng tiền phân hóa, VN-Index tăng hơn 54 điểm

Ghi nhận phiên tăng mạnh nhất lịch sử, VN-Index tăng 74 điểm

Cung vẫn lấn át cầu bắt đáy, VN-Index mất thêm 38,49 điểm

Bài 4: PAN - Từ doanh nghiệp trung bình thành gã khổng lồ nhờ quản trị tiên phong

Áp lực bán mạnh chưa dừng lại, VN-Index tiếp tục rơi gần 80 điểm

Bài 3: Quản trị công ty - chìa khóa nâng hạng thị trường chứng khoán

Bài 2: Quản trị công ty tại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức

Bài 1: Quản trị công ty - lá chắn và bệ phóng cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên hội nhập
