Đồng Nai: Cụ thể hóa nhiều phương án tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội Vốn rẻ tạo lập nguồn cung nhà ở xã hội |
Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công nhân và nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2023-2025.
Trong đó, địa phương này đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng 10.000 căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội (tương ứng khoảng 800.000 m2 sàn). Tổng vốn đầu tư cho 10.000 căn nhà ở kể trên ước khoảng 10.155 tỷ đồng (huy động từ Qũy phát triển nhà ở Đồng Nai và các nguồn hợp pháp khác).
Để triển khai mục tiêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng khu vực địa phương và các sở, ban, ngành. Theo đó, tỉnh này yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn (bao gồm: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom) từ nay đến hết năm 2025 mỗi năm cần chọn ra tối thiểu 2-3 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để triển khai xây dựng. Các huyện vùng ven và vùng xa khác của tỉnh thì chọn ra 1-2 dự án để thi công xây dựng.
![]() |
Mỗi huyện thị, thành phố tại Đồng Nai cần triển khai tối thiểu mỗi năm 1-3 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp |
Về huy động vốn, tỉnh này yêu cầu Sở Tài chính rà soát, cân đối các nguồn như: Qũy phát triển nhà tỉnh Đồng Nai, vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA; vốn vay tín dụng chính sách và các tổ chức tín dụng, vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (triển khai theo Quyết định 65/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và nhiều nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với việc xây dựng nhà ở lưu trú dành cho công nhân các khu công nghiệp, tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn rà soát quỹ đất dịch vụ chưa sử dụng để hình thành các dự án nhà ở lưu trú. Khi đã có quỹ đất có thể chọn 1 trong 4 mô hình đầu tư để triển khai các dự án.
Cụ thể, mô hình thứ nhất là giao UBND cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng và UBND cấp tỉnh xét duyệt giá cho thuê, cũng như xét duyệt danh sách công nhân được thuê.
Mô hình thứ 2 cũng giao UBND cấp huyện hoặc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng nhưng sau đó cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê để cho công nhân thuê lại. Gía thuê do Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai thẩm định và quy định.
Mô hình thứ 3 là địa phương chỉ đầu tư hạ tầng cơ bản sau đó cho doanh nghiệp thuê lại hạ tầng để xây dựng dự án nhà ở. Khi đã hoàn thiện dự án thì thực hiện cho công nhân thuê, giống như đã áp dụng ở mô hình 2.
Mô hình thứ 4 là UBND cấp tỉnh lập quy hoạch, sau đó thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Các doanh nghiệp có thể đăng ký thuê lại dự án nhà ở và ứng trước phần chi phí đầu tư xây dựng và hoàn trả dần khi dự án đã hoàn thiện và cho công nhân thuê.
Riêng đối với lĩnh vực tín dụng phục vụ mở rộng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú dành cho công nhân, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nguồn vốn để cho vay ưu đãi lãi suất đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai tập trung rà soát, thực hiện cho vay hỗ trợ người mua nhà ở xã hội theo đúng các quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát

Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất

Đà Nẵng: Bất động sản nguy cơ bong bóng, nhà đầu tư cần tỉnh táo
![[Infographic] 10 yếu tố cần cân nhắc khi quyết định mua hay thuê nhà](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/01/10/infor120250401101146.png?rt=20250401101203?250401041902)