Đơn giao hàng càng nhiều, shipper càng... lo!
Giấc mộng “nghề vàng” đã tan
Kể từ 15h hôm 23/5, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong đó, xăng E5 RON 92 tăng lên mức 29.630 đồng/lít; xăng RON 95 lên mức 30.650 đồng/lít. Như vậy từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã tăng 9 lần, trong đó từ cuối tháng 4 đến nay đã có 3 lần tăng liên tiếp. Mặc dù, từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn khiến nhiều doanh nghiệp, người dân, trong đó có các shipper gặp khó khăn trong cuộc sống và hoạt động dịch vụ.
Hơn 2 năm qua, nghề shipper trở thành "nghề vàng" của các nghề trong những đợt giãn cách xã hội phòng, ngừa dịch Covid-19. Không ít "tay lái" thu nhập ở mức gần 30 triệu đồng/tháng mà không cần bằng cấp, kinh nghiệm. Anh Trịnh Mạnh Thắng, một cử nhân ngành marketing tại một trường đại học quyết định "nhảy việc" văn phòng để làm nghề shipper từng rất hãnh diện kể rằng nghề shipper giúp anh trang trải được cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội, tiết kiệm được một khoản và gửi được tiền hỗ trợ gia đình ở quê. Nhưng chỉ 5 tháng sau, anh Thắng cũng phải ngậm ngùi nhận ra "giấc mộng" của mình đã tan do... giá xăng.
![]() |
Giá xăng dầu tăng mạnh khiến nhiều shipper công nghệ ngậm ngùi |
Anh Thắng kể, buổi sáng nay anh chạy liên tục 12 đơn hàng từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa chỉ thu về được 145.000 đồng, trừ tiền xăng 100.000 đồng, điện thoại 20.000 đồng và tiền ăn trưa hết 30.000 đồng thì anh lỗ mất 5.000 đồng! Trong khi đó, với số lượng ít nhất là 30-40 đơn hàng như trước đây, sau khi trừ đi tiền xăng và các chi phí khác, anh vẫn lãi từ 400.000-600.000 đồng/ngày. Giá xăng tăng, cộng thêm giá cước đơn hàng giảm khiến thu nhập của những người làm shipper như anh Thắng bị ảnh hưởng không nhỏ, có khi chạy cả ngày cũng chỉ đủ tiền đổ xăng và ăn uống chứ không dư được đồng nào.
Cùng chung nỗi niềm, anh Đặng Xuân Đông cho biết, giá xăng tăng khiến thu nhập của anh giảm hơn một nửa. Trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt, bảo dưỡng xe, thay sửa phụ tùng... cũng tăng khiến gia đình anh nhiều lần "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Anh từng nghĩ đổi xe điện chạy cho rẻ, không phụ thuộc vào giá xăng nữa nhưng mua xe điện còn đắt hơn cả tiền xe máy mới, biết bao giờ mới bù đắp được, nên anh đang nghĩ đến việc bỏ nghề, hoặc vừa chạy xe vừa làm thêm nghề khác để kiếm thêm thu nhập.
May mắn hơn anh Đông, một shipper khác chia sẻ, có đơn hàng là vui nhưng nhìn vào địa chỉ người nhận mà anh luôn nơm nớp lo sợ. Đơn hàng nhiều nhưng khách mỗi nơi một địa chỉ, có khi cách nhau cả 10-15km thì chạy xe chắc chắn lỗ, chưa kể tắc đường khiến mức tiêu thụ xăng tăng, thời gian giao hàng lâu, khách không hài lòng đánh giá 1 sao thì shipper vừa mất tiền vừa mất uy tín. Để cầm cự được với nghề, shipper này chỉ dám nhận đơn trong cùng một khu vực, đơn hàng xa đành gọi điện cho khách thông cảm nhờ hủy đơn.
Cần “hạ nhiệt” cho giá xăng dầu
Đại diện một số doanh nghiệp chuyển phát nhanh cho biết, xăng dầu chiếm tới 40% giá thành vận chuyển 2 chiều từ kho bãi đến tay shipper và từ shipper đến khách hàng. Khi giá xăng dầu tăng mạnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp giá cước để đảm bảo đời sống cho shipper vừa không gây ảnh hưởng số lượng và chất lượng giao hàng. Trong khi đó, giá cước không thể tăng nhanh cùng với giá xăng nên nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp chuyển phát buộc phải đàm phán lại giá chiết khấu với shipper và xây dựng lại giá cước, cắt giảm một số ưu đãi cho khách hàng. Do vậy, cơ quan chức năng rất cần có thêm các giải pháp để "hạ nhiệt" giá xăng, hỗ trợ doanh nghiệp và đội ngũ shipper hoạt động, phục vụ người dân và cộng đồng.
Để giảm giá xăng dầu, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng nhìn nhận, không thể trông chờ vào Quỹ này nhiều do giá dăng dầu trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp cũng phải chi mua lớn hơn, cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ để bù đắp cho phần âm quỹ trước đó.
Thực tế, một chuyên gia phân tích, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải chịu từ 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng và các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển...
Vị chuyên gia kinh tế nói trên cho rằng, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng quan trọng nhất là chi phí đầu vào và kiểm soát lạm phát. Do đó, cần cân nhắc việc giảm thuế phí, đánh đổi giữa thu ngân sách và giảm giá xăng dầu để phục vụ mục tiêu trong chương trình phát triển, phục hồi kinh tế.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
