Đời ở trọ
Tôi mang trong mình cái mác và cũng là dòng máu của một sinh viên tỉnh lẻ, ra Hà Nội trọ học và đi làm suốt hơn 10 năm qua. Cảnh ở trọ, thuê nhà có nghĩa là phải chấp nhận chật hẹp, khó khăn và ngay cả trong mơ cũng giật mình thon thót, mỗi khi ông/bà chủ nhà đến “xin” tiền phòng.
Ước mơ nhiều, đam mê lắm, nhưng phố phường vốn là nơi nhiều thách thức. Tôi và hàng chục bạn bè đồng trang lứa, cùng quê phải gồng mình lên để trụ lại đất Thủ đô, trụ lại với đời và mong mau chóng thoát khỏi đời ở trọ.
![]() |
Những dãy nhà trọ xập xệ |
“Cha mẹ cả đời làm ruộng, vất vả đủ đường, chỉ mong con học hành tấn tới, làm sao thoát được ra ngoài cho đỡ khổ”. Ngày nhỏ, cha mẹ đã dạy tôi như vậy. Năm 2000, tôi bước chân ra phố học hành, cõng cả những điều cha mẹ ấp ủ để thực hiện ước mơ.
Thật không dễ để có được chỗ ở tại ký túc xá của trường. Đành phải thuê nhà ở trọ. Đời ở trọ gắn bó với tôi từ đó, những lo toan, nhọc nhằn và cả những lúc đói lòng tủi thân buồn khóc đã xuất hiện. “Không muốn quay về làm bạn với luống cày, cái cuốc thì phải học”.
Câu nói đó của mẹ lại hiện lên trong đầu. Tôi vuốt nước mắt, chong đèn, cầm sách. Hơn hai năm học xong trường cao đẳng cộng với chút kinh nghiệm phố xá chỉ đủ kiến thức cho tôi làm một gã chạy bàn, lang thang ở khắp khách sạn này đến khách sạn khác.
Tôi vẫn thuê nhà, vẫn mỗi tháng vượt 50 cây số đường dài gió bụi bằng xe đạp để về quê, xin mẹ mấy cân gạo, mấy mớ rau mang ra phố như một khoản tiếp tế. Tất cả những người bạn học cùng lớp ở trường cao đẳng với tôi đều có ước vọng khác, là thi thêm vào một trường đại học, có như vậy mới có thể kiếm được một công việc tốt hơn, đảm bảo tương lai. Và thế là lại đèn sách, ôn thi. Mỗi chúng tôi đều chọn lấy một trường phù hợp với mình.
Giờ đã qua 4 năm ở trường Đại học Văn hóa, tôi vẫn sống ở Hà Nội. Những người bạn của tôi cũng vậy, họ đều muốn ở lại lập nghiệp trên đất Thủ đô. Thành phố thường là điểm đến của mỗi người trẻ tuổi. Hơn 10 năm ở trọ đất Thủ đô, hơn 10 năm sống trong những căn nhà ọp ẹp, dột nát, bé nhỏ, bẩn thỉu của người khác.
Ngần đó thời gian lo lắng, buồn tủi, hy vọng, thực sự tôi vẫn chưa làm được gì và cũng chẳng biết đến bao giờ mới thoát cảnh đi ở trọ. Hàng vạn sinh viên hiện đang ở trọ tại Hà Nội, cũng chưa biết ngày nào mình sẽ hết cảnh này, tất cả đều nuôi những hy vọng. Tôi mong cho mỗi ai đã cố gắng và hy vọng đều thực hiện được điều mình mong muốn.
Ngày xưa, mọi thứ đơn giản hơn, việc thuê nhà trọ không đắt đỏ như bây giờ. Giá cả leo thang ở tất cả các mặt hàng khiến cho giá thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt đều tăng vùn vụt. Sinh viên bây giờ, tất nhiên không “đói” như sinh viên ngày trước, nhưng mỗi đợt bão giá bùng lên, cuộc sống của họ không khỏi liêu xiêu.
Bản thân họ vô cùng lo lắng về mức chi phí và không biết rằng, cha mẹ ở quê có đủ “nhiệt” để chu cấp lâu dài. Suốt từ đầu năm 2008 đến giờ, ở khắp nội - ngoại thành Hà Nội, giá nhà trọ liên tục tăng. Tăng đến chóng mặt, đến nổi gai ốc, tăng đến tím mặt sinh viên. Nhiều em đã phải giảm thiểu chi tiêu, tiết kiệm ăn uống, rồi đến cảnh “chay hóa” bữa ăn. Đậu phụ, lạc rang, rau luộc, trứng tráng là mấy món quen mà giới sinh viên vẫn công nhận là ngon-nhiều-bổ-rẻ.
Các em tôi, cả em ruột lẫn em họ, cùng các bạn của chúng quây quần ở khu nhà trọ cỏn con hẻm tại Phố Chợ Khâm Thiên. Cả khu lúc nào cũng ướt át, vì lối vào khu trọ có bể nước công cộng. Hơn chục phòng trọ mà chỉ có hai phòng vệ sinh cho hai giới, nên việc đợi chờ nhau cũng mất rất nhiều thời gian. Chưa kể mùa hè, điện, nước mất liên tục.
Có những đêm, riêng việc chờ nhau tắm rửa, có người phải đợi đến 2 giờ sáng mới tới lượt. Vào mùa mưa, ông trời động sụt sùi trút nước là xóm trọ ngập, đêm nằm mơ thấy mình trôi theo nước. Rồi có trận, cả xóm dùng rổ rá, hớt cá ngạt từ rãnh nước thành phố ngoi lên. Nước cống dâng lên hôi hám nồng nặc.
Ông chủ, bà chủ có biết, nhưng vuốt mặt che mũi làm ngơ. Xóm trọ vừa đông vừa chật, kéo theo hàng trăm thứ bất tiện khác. Ví như nạn mất quần áo, mất đồ dùng, nạn cãi vã đánh nhau. Rồi nạn mất trật tự của những người làm ở quán bia hơi về muộn, vô ý thức phá vỡ màn đêm yên tĩnh. Hai cô bạn của tôi ở xóm trọ này đã phải chuyển vì không chịu nổi nhà vệ sinh chung, lại thường xuyên gặp cảnh trai gái ân ái trong đêm khuya, ở ngay gốc cây, cạnh nhà vệ sinh chung.
Có lần, hai cô này rỉ tai tôi: “Chuyện xóm này anh đưa lên báo, hoặc cho vào tiểu thuyết được đấy”. Tôi đắng đót gật đầu. Xóm trọ của tôi hiện tại nằm ở con ngõ 260 Phố Chợ Khâm Thiên, cũng có khá khẩm hơn điều gì đâu. Viết để phản ánh chung một bài thì đơn giản!
Sinh viên ở trọ ngày nay có nhiều công việc để làm, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Gia đình nhà cô cậu nào kém điều kiện, là y rằng cô cậu đó tính chuyện làm thêm. Có đủ nghề như chạy bàn quán cà phê, bảo vệ, trông xe, bán hàng, PG (xúc tiến thương mại), tiếp thị... Kiếm được đồng tiền của thiên hạ đâu phải dễ dàng. Mỗi người đều phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Những nhọc nhằn cứ thế mà ngấm vào người, mà chong lên khóe mắt rồi trở thành những ký ức, những hành trang cho mỗi người. Với kiếp ở trọ, đi làm thêm cũng phải tùy thuộc vào... chỗ trọ. Rằng chỗ đó có tiện đường đi làm, có được tự do về khuya, hay sẽ phải trèo tường thường xuyên để vào? Tất cả đều phải phù hợp với hoàn cảnh, mới tiện cho một người vừa đi học, vừa mưu sinh.
Mỗi sinh viên ra phố sẽ phải va vấp với những cạm bẫy, chưa nói gì đến những cô gái đi làm đêm khuya khoắt. Cạm bẫy rình rập ở bất cứ đâu trong thành phố này. Ai là người có thể chiến thắng, để tâm hồn trong sạch, tiếng tăm không nhuốm chàm. Ai có đủ dũng khí và nghị lực, khi sống trong môi trường dễ phạm tội, dễ hư hỏng mà vẫn ngẩng cao đầu, tâm hồn vẫn trong như pha lê? Ai là người không khuỵu ngã trước cám dỗ của dục vọng và đồng tiền?
Lòng tôi vẫn xót xa, khi đọc tin chàng trai này đi ăn cắp, cô gái nọ đi làm gái bán hoa. Hoặc cô sinh viên A vì túng thiếu mà biển thủ vài bộ quần áo, để đến nỗi vì xấu hổ mà cắt cổ tự vẫn. Hay chàng sinh viên nổi tiếng đẹp trai tên T. vì ham hố dục vọng đã dính HIV, lỡ mất cả cuộc đời...
Sao nhiều cạm bẫy thế, sao lắm sinh viên ngã khuỵu thế? Ai đó đã thốt lên như thế, trong một tâm trạng hoang mang. Người thốt câu đó đang nghi hoặc cuộc sống này, đang mất niềm tin vào cuộc sống này, hay anh ta đang muốn tất cả chúng ta phải trả lời câu hỏi đó.
Cái thằng 10 năm ở trọ là tôi, hẳn là có lúc cám dỗ đã bủa vây tâm trí. Chỉ cần một vài giây kém tỉnh táo, là đã mắc sai lầm. Tôi có cảm giác như những cạm bẫy ra tăng cùng với nỗi gia tăng của dân số, cùng với nỗi gia tăng của sự vô cảm. Con người đang gấp gáp và ích kỷ hơn.
Và mỗi sinh viên, dù có chong đèn suốt đêm để đọc sách, thì họ cũng không thể lọc ra hết những cạm bẫy để đừng bị nó lôi kéo. Đôi khi, cạm bẫy đã mục kích ngay chính góc tâm hồn con người một ai đó, hay dưới mái nhà trọ này rồi.
Gạo đem vào giã bao đau đớn, nhưng giã xong rồi, sẽ trắng tựa bông. Bác Hồ đã dạy chúng ta qua thơ của Người. Đời sinh viên ở trọ, nếu ai vượt qua được những ham hố tầm thường, để vươn lên, để đôi khi tủi thân vì đời ở trọ, để hướng đến một cái đích, là sẽ có công ăn việc làm, mua được nhà giá rẻ thoát đời ở trọ đều có thể đạt tới thành công.
Tôi quen anh bạn, đã từng ở trọ như tôi, giờ là một vị tiến sĩ, là phó tổng biên tập một tờ tạp chí có tiếng. Sự thành đạt của anh là khao khát của bè bạn và chúng tôi, những người quen biết anh. Anh từng khổ hơn chúng tôi, từng cả tuần chỉ có mỳ tôm và rau đưa vào bụng. Anh cũng từng gặp cám dỗ, đói khát, thèm thuồng, ao ước... Nhưng ao ước lớn nhất của anh ngày đó là phải học và thành đạt. Và anh đã làm được điều đó.
Đấy, vừa nhắc xong thì chủ nhà lại đến thu tiền. Ông ta còn chua thêm: “Này, nhà nước thông báo tăng giá điện, giá nước rồi nhá, tháng này...”. Nghe thật não nề, và chỉ còn cách cố gắng để thoát khỏi cảnh thuê nhà.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
