Doanh nghiệp châu Âu gia tăng các hoạt động thương mại và đầu tư
Ngày 16/2/2023 tại Hà Nội diễn ra sự kiện ra mắt Sách Trắng 2022/2023 (ấn bản thứ 14) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với chủ đề “Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững: Thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA”.
Cùng với đó là công bố Báo cáo về Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 (ấn phẩm lần thứ 1) và các phiên đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ nhằm tối ưu hóa sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu mới.
![]() |
Giữ vững vị thế một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới
Theo ông Alain Cany Chủ tịch EuroCham, mặc dù năm 2022 kinh tế thế giới có nhiều biến động với giá hàng hóa tăng cao, áp lực lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới. “Thậm chí trong hai đến ba năm tới, nền kinh tế có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Alain Cany nhận định.
Cùng quan điểm, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, bất chấp các thách thức này, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và mức tăng trưởng GDP 8% vào năm 2022 là mức cao nhất trong thập kỷ qua.
“Khả năng chống chọi với các cơn bão kinh tế toàn cầu của Việt Nam phần lớn là nhờ tự do hóa thương mại và kinh tế đã được theo đuổi trong nhiều năm với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu. Những bước phát triển tích cực của hoạt động thương mại và kinh tế không thể đạt được nếu không có những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở cửa nền kinh tế, cải thiện tính minh bạch và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính công”, Đại sứ Giorgio Aliberti nêu quan điểm.
Hiệp định EVFTA rõ ràng đóng một vai trò không thể thiếu trong tiến trình này. Đó cũng là một trong những lý do đằng sau sự thành công của Việt Nam trong việc vượt qua những thách thức kinh tế toàn cầu hiện nay. “EVFTA không chỉ đơn thuần là một hiệp định thương mại tự do mà nó có thể đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới… Các tiềm năng to lớn trong các liên kết kinh tế và thương mại song phương sẽ được khai thác triệt để khi các ý tưởng và khuyến nghị trong Sách Trắng này được xem xét một cách nghiêm túc và cẩn trọng”, Đại sứ Giorgio Aliberti tin tưởng.
“Trong 12 tháng qua, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, chúng tôi lạc quan với những cải thiện về khung pháp lý đã tiếp tục hiện đại hóa và hợp lý hóa bối cảnh kinh doanh của Việt Nam kể từ phiên bản Sách Trắng 2021 của chúng tôi, cũng như với những nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo điều kiện phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn”, Sách Trắng 2022/2023 nêu.
![]() |
Nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của EU năm 2021 (Nguồn: Eurostat và Comext) |
Một trong những điểm nhấn được ghi nhận là Việt Nam đã tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong ba thập kỷ qua. Điều này đã giúp nâng cao sinh kế, mức sống và triển vọng của hàng triệu người. Bên cạnh đó, những cải thiện về cơ sở hạ tầng đã góp phần nâng cao đáng kể điều kiện sống, hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài
Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ ở mức một con số; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh; cùng với địa lý thuận lợi và dân số đông, trẻ và có trình độ…, đã giúp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có một số lợi thế bao gồm chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí tốt ở Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu thụ nội địa tăng nhanh… Nhờ đó, Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng FDI đáng kể từ khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. Trong đó, vốn FDI chủ yếu chảy vào lĩnh vực chế biến chế tạo, tiếp đó là lĩnh vực bất động sản; sản xuất và phân phối điện.
“Chính phủ đã và đang tiếp tục cải cách môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam để đưa đất nước trở thành một điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn hơn nữa”, Sách Trắng 2022/2023 nhấn mạnh.
Cũng theo Sách Trắng 2022/2023, chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDS) 2011-2020 đã tạo ra một số cải thiện tích cực trong thập kỷ qua, bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp tiến bộ này, vẫn còn đó những thách thức như năng suất, khả năng cạnh tranh và hiệu quả thấp. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tiếp theo, bao gồm giai đoạn 2021-2030, chắc chắn sẽ hướng đến giải quyết những vấn đề này.
Sách Trắng 2022/2023 của EuroCham được biên soạn nhằm đưa ra góc nhìn tổng quan về các vấn đề ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Đối với mỗi chương, EuroCham đã yêu cầu 18 Tiểu ban Ngành nghề tập trung vào các vấn đề mà họ cho rằng Chính phủ Việt Nam nên giải quyết. Sách Trắng cũng đánh giá ảnh hưởng của những vấn đề này đến Việt Nam, ví dụ thông qua tác động đến thương mại, tăng trưởng hoặc việc làm. Sau đó, mỗi chương đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giúp cải thiện tình hình hoặc giải quyết thách thức đã xác định. |
Sách Trắng 2022/2023 nêu rõ, trong những năm qua, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trở ngại đối với tiềm năng phát triển kinh doanh, có thể cản trở tăng trưởng bền vững của Việt Nam và gây bất lợi cho cả cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Do đó, hoạt động hỗ trợ chính sách là một trong những chức năng cốt lõi của EuroCham nhằm khắc phục các vấn đề chưa được giải quyết. Thành công và tiến bộ trong việc đóng góp về chính sách bắt nguồn từ sự tận tâm đóng góp của các Tiểu ban Ngành nghề và thành viên thuộc EuroCham. Từ các cá nhân, công ty khởi nghiệp cho đến tập đoàn đa quốc gia, các thành viên của EuroCham đều đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Trong năm 2022, Nhóm Tư vấn Chính sách của EuroCham đã gửi 175 thư và nhận được 253 thư phản hồi từ các cơ quan Chính phủ; tổ chức 132 cuộc họp của các Tiểu ban Ngành nghề, và tổ chức 147 cuộc gặp với các cơ quan Chính phủ, cùng với nhiều hoạt động đào tạo, hội thảo, đối thoại về chính sách.
![]() |
Xuất khẩu hàng hóa từ EU sang Việt Nam năm 2021 (Nguồn: Eurostat và Comext) |
Đối thoại để cải thiện hơn nữa
Cùng với công bố Sách Trắng và Báo cáo GEFE 2022, tại sự kiện còn diễn ra các phiên đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ nhằm tối ưu hóa sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Các chủ đề được thảo luận bao gồm: Chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn hậu đại dịch; Kinh tế xanh và phát triển bền vững; Thúc đẩy Đổi mới và Đầu tư. Tại các phiên đối thoại này, các Tiểu ban của EuroCham trình bày các vấn đề liên quan (tiềm năng và lợi ích; các vướng mắc, tồn tại và đề xuất). Sau đó đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam trên cơ sở các lĩnh vực, vần đề liên quan được phản ánh sẽ đưa ra những phản hồi.
Ông Alain Cany nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng, qua những chia sẻ quan điểm của mình, sẽ thúc đẩy việc tăng trưởng đầu tư nước ngoài trực tiếp và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Sau khi EVFTA có hiệu lực cách đây hai năm rưỡi, thương mại giữa châu Âu và Việt Nam ngày càng phát triển. Bằng cách xác định các lĩnh vực cần cải thiện và đưa ra hướng dẫn rõ ràng về cách vượt qua các vướng mắc, cuốn Sách Trắng này tạo dựng những lợi thế mà theo đó Việt Nam và các đối tác thương mại châu Âu có thể hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này.
Mối quan hệ giữa EU và Việt Nam ngày càng bền chặt kể từ khi thiết lập quan hệ chính thức lần đầu tiên vào năm 1990. Hiện nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam. Theo số liệu từ Sách Trắng 2022/2023, năm 2021, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 31 (0,5%) và là nước nhập khẩu lớn thứ 11 (1,8%) của EU. Ba quốc gia EU nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Việt Nam nhất là Hà Lan (7,849 tỷ Euro), Đức (7,680 tỷ Euro) và Ý (3,519 tỷ Euro). Ba quốc gia EU có xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam là Đức (3,7 tỷ Euro), Pháp (1,2 tỷ Euro) và Ý (1,1 tỷ Euro). Các nhà đầu tư châu Âu hiện diện trên mọi lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam cũng như trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước. |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
