Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 31/3 - 4/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/4 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng Việt Nam |
![]() |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Thông tin được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 6/4 cho thấy sự phục hồi và phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý I/2025 ước tính tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất so với quý I của các năm trong giai đoạn 2020-2025.
Mức tăng trưởng 6,93% này đã vượt qua mục tiêu tăng trưởng 6,2%-6,6% cho quý I/2025 được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Cục Thống kê, con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu phấn đấu cao hơn là 7,7% theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ban hành ngày 5/2/2025, do những bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu.
Tăng trưởng GDP trong quý I/2025 được thúc đẩy bởi sự phát triển đồng đều của cả ba khu vực kinh tế chính. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ổn định 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng ấn tượng 7,42%, đóng góp tới 40,17% vào tổng mức tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính với mức tăng trưởng 9,28%. Ngành xây dựng cũng có sự tăng trưởng đáng khích lệ với 7,99%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, ngành khai khoáng lại ghi nhận sự sụt giảm 5,76%. Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất là 7,70%, đóng góp 53,74% vào mức tăng trưởng GDP. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng này.
Theo Cục Thống kê, mặc dù chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhất đã đề ra, kết quả tăng trưởng GDP quý I/2025 vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực và sự nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc duy trì đà phục hồi kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 1,3% so với tháng 12/2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 3,01%.
CPI quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau: chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng gần 3,8% (góp phần làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm); chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng hơn 5% (làm CPI chung tăng 0,96 điểm phần trăm); chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,4% (làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm); chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16% (góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI quý I/2025, gồm: chỉ số nhóm giao thông giảm 2,4% (góp phần làm CPI chung giảm 0,23 điểm phần trăm), trong đó giá xăng dầu giảm gần 10%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 6,06%; chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 0,61% (góp phần làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm) do trong năm học 2024-2025, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí cho các đối tượng theo quy định; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,6% (góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm), ...
Được đánh giá là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong quý 1/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 850 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số dự án và giảm 31,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 401 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước; có 810 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng giá trị góp vốn 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý 1/2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư nước ngoài thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó là về lĩnh vực thương mại. Trong tháng 3/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 xuất siêu 1,63 tỷ US, quý I xuất siêu 3,16 tỷ USD.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 31/3 - 4/4
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 31/3 - 4/4, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ 2 phiên đầu tuần và tăng mạnh vào 3 phiên cuối tuần. Chốt ngày 4/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.886 VND/USD, tăng 43 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Giá mua USD được niêm yết ở mức 23.692 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; trong khi giá bán USD được niêm yết mức 26.080 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 31/3 - 4/4 biến động tăng ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 4/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.785, tăng mạnh 201 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tuần qua cũng biến động theo xu hướng tăng. Chốt phiên 4/4, tỷ giá tự do tăng 75 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.935 VND/USD và 26.035 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 31/3 - 4/4, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống tăng mạnh phiên đầu tuần rồi quay đầu giảm trở lại. Chốt ngày 4/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 4,06% (+0,48 điểm phần trăm); 1 tuần 4,30% (-0,16 điểm phần trăm); 2 tuần 4,40% (-0,16 điểm phần trăm); 1 tháng 4,56% (-0,06 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 4/4, lãi suất USD liên ngân hàng giao dịch tại: qua đêm 4,32% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 4,39% (+0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 4,44% (+0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,49% (+0,03 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu 221.000 tỷ đồng với 4 kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 35 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4,0%. Có 63.262,71 tỷ đồng trúng thầu; có 49.964,11 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Không có khối lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN đã bơm ròng 13.298,6 tỷ đồng vào thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 94.946,42 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, không còn tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 2/4, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 6.310 tỷ đồng/14.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu đạt 45%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 6.250 tỷ đồng/12.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 60 tỷ đồng/ 500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn nhưng không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 10 năm là 2,98% (+0,02 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước) và 30 năm là 3,28% (không đổi).
Ngày 9/4, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 11.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.357 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 19.204 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 4/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,08% (+0,01 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 2,11% (+0,02 điểm phần trăm); 3 năm 2,17% (+0,01 điểm phần trăm); 5 năm 2,37% (+0,07 điểm phần trăm); 7 năm 2,71% (+0,04 điểm phần trăm); 10 năm 3,02% (+0,05 điểm phần trăm); 15 năm 3,20% (+0,04 điểm phần trăm); 30 năm 3,42% (+0,002 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 31/3 - 4/4, thị trường chứng khoán đã giảm mạnh trong 2 phiên cuối tuần do ảnh hưởng của chính sách thuế quan Mỹ. Kết thúc phiên 4/4, VN-Index đứng ở mức 1.210,67 điểm, giảm 106,79 điểm (-8,11%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 21,33 điểm (-8,91%) xuống mức 216,97 điểm; UPCoM-Index giảm 7,49 điểm (-7,59%) về 91,13 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 28.757 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 19.656 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.660 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả các hàng nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 5/4, đồng thời tăng thuế đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump đưa ra một danh sách, trong đó liệt kê các mức thuế quan có đi có lại với các đối tác lớn. Cụ thể, thuế quan với Trung Quốc được ghi ở mức 34%, Liên minh châu Âu 20%, Việt Nam 46%, Đài Loan 32%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26%, Hàn Quốc 25%, Thái Lan 36%, Thụy Sỹ 31%... Các mức thuế này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 9/4.
Sau tuyên bố của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng phát biểu các quốc gia nên “đừng vội trả đũa, hãy chờ đàm phán”.
Nhiều quốc gia đã phản ứng khác nhau đối với sự kiện trên, trong đó nổi bật là Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 4/4 có điện đàm trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng nhập từ nước ta.
Tại Trung Quốc, Bộ Tài chính nước này thông báo cũng sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4.
Ngày hôm qua, phát biểu trên trang cá nhân, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa nâng mức thuế áp thêm đối với Trung Quốc lên 50% nếu Bắc Kinh không thu hồi lệnh thuế đối kháng 34% đã công bố.
Thị trường tài chính - hàng hóa toàn cầu chao đảo sau chuỗi thông tin tiêu cực, các chỉ số chứng khoán lớn thế giới như Dow Jones, Nasdaq, Hang Sheng, Dax, Kospi đều lần lượt rơi tự do, giá vàng cũng rơi từ khoảng 3150 USD/oz về dưới 3000 USD/oz, giá dầu Brent giảm rất mạnh từ khoảng 74 USD/thùng xuống quanh 65 USD/thùng. Chỉ số VIX đo lường mức độ rủi ro của thị trường nhảy vọt lên quanh 50 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 tới nay.
Dự báo của CME cho thấy Fed có khả năng phải cắt giảm lãi suất chính sách 4 lần trong năm 2025, tăng lên so với 3 lần trước đó (Dot-plot tháng 3 của Fed cho thấy kế hoạch cắt giảm chỉ 2 lần).
Kinh tế Mỹ tuần qua cũng đón các chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại nước này lần lượt ở mức 49% và 50,8% trong tháng 3, giảm xuống từ 50,3% và 53,5% của tháng 2, đồng thời thấp hơn mức 49,5% và 53% theo dự báo.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 228 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 3, cao hơn mức 117 nghìn của tháng 2 đồng hời cao hơn mức 137 nghìn theo kỳ vọng. thángặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng vừa qua tăng nhẹ lên 4,2%, trái với dự báo đi ngang ở 4,1%. Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động trong tháng 3 tăng 0,3% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng 2 và khớp với dự báo.
Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 29/03 ở mức 219 nghìn đơn, thấp hơn dự báo đi ngang ở mức 225 nghìn đơn so với tuần trước đó. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất là 223 nghìn, giảm 1,25 nghìn so với 4 tuần liền trước.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chỉ báo lạm phát CPI tháng 3, cùng được công bố vào thứ Năm, ngày 10/4 theo giờ Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư
