Đề xuất hỗ trợ lãi suất tái đàn lợn
![]() | Tái đàn, nhưng tránh phát triển nóng |
Nên hỗ trợ trang trại vừa và nhỏ
Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm giữa tháng 5/2020, hiện tổng đàn heo của cả nước đã phục hồi khoảng 80,3% so với tổng đàn trước khi có dịch (tương đương khoảng 24,9 triệu con). Như vậy, nguồn cung thịt lợn hiện thiếu hụt khoảng 20% so với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn vẫn tiếp tục neo cao bất chấp chỉ đạo của Chính phủ.
![]() |
Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn được đề xuất tập trung vào các trại nuôi từ 200-300 con heo nái theo mô hình an toàn sinh học |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thống kê trên của Bộ NN&PTNT là chưa chính xác. Con số thiếu hụt 20% nhu cầu thực ra chỉ căn cứ vào số lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy. Trên thực tế chênh lệch cung/cầu nguồn thịt lợn trong nước có thể lớn hơn (khoảng 40-50%) và muốn cân bằng chênh lệch cung cầu này thì ít nhất phải mất từ 1-2 năm nữa chứ không phải đến cuối năm nay như lãnh đạo Bộ NN&PTNT phát biểu gần đây.
Bởi vậy nhiều chuyên gia cho rằng, để hạ nhiệt giá thịt lợn cần đẩy nhanh tốc độ tái đàn và tăng nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung đã được triển khai. Tuy nhiên, hiện người dân trong nước vẫn chưa quen với việc tiêu dùng thịt đông lạnh và để thay đổi thói quen này cũng cần phải có thời gian. Vì thế giải pháp cốt lõi vẫn là tái đàn làm sao cho hiệu quả.
Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư chăn nuôi lợn, ông Công cho rằng việc tái đàn lợn trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ nan giải nếu người nuôi không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các chính sách của Chính phủ. Nguyên nhân do mặc dù hiện dịch bệnh đã được khống chế, nhưng chưa có vaccine đặc trị, vì thế nếu tái đàn ồ ạt sẽ dễ dẫn tới dịch bùng phát trở lại, gây rủi ro mất vốn và phá sản.
Theo các DN chăn nuôi tại Đồng Nai, giải pháp tốt nhất là ngân sách Trung ương và địa phương nên trích ra một phần để hình thành gói hỗ trợ lãi suất vay vốn tái đàn. Các trang trại quy mô từ 200-300 con nái, xây dựng mới hoặc tái lập đàn mới nếu đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn sinh học, phòng dịch và có cam kết giảm giá bán lợn thành phẩm thì có thể được xem xét tiếp cận nguồn cấp bù lãi suất khi vay vốn ngân hàng. Thời gian vay vốn để tái đàn là khoảng 2 năm (đối với các khoản vay chăn nuôi) và khoảng 5 năm (đối với vay xây dựng chuồng trại). Mức cấp bù lãi suất khoảng 3-4%/năm, hạn mức cho vay khoảng 2-3 tỷ đồng/1 trang trại 300 con nái là mức mà các hộ chăn nuôi lớn và các DN, HTX có thể chấp nhận được.
Nhà băng và địa phương cùng gỡ khó
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2020, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn toàn quốc đạt khoảng gần 53.800 tỷ đồng. Dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là 1.668 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay nuôi lợn bị thiệt hại 1.475 tỷ đồng).
Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2020, các TCTD trên toàn quốc đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh/thành phố đang có dịch tổng số tiền 1.242 tỷ đồng thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ (602 tỷ đồng); miễn, giảm lãi vay (153 tỷ đồng); cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh (465 tỷ đồng) và áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác như ưu tiên thu gốc trước, lãi sau 22 tỷ đồng.
Cùng với sự nỗ lực của các NHTM, theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, hiện nay một số địa phương cũng đã khá chủ động trong việc dùng ngân sách để hỗ trợ lãi vay cho các mô hình chăn nuôi heo.
Chẳng hạn tại Hà Nội, cuối tháng 4 vừa qua, Sở NN&PTNT đã đề xuất và chính quyền thành phố đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái (không quá 5 triệu đồng/con) đồng thời hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng trong thời gian 6 tháng đối với các cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn, phòng chống dịch. Hay tại Bình Định, địa phương này cũng đã dùng một phần ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ cho vay lãi suất 0%/năm đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ đảm bảo an toàn dịch bệnh. Một số địa phương khác như Bến Tre, Tiền Giang, các kiến nghị dùng ngân sách để cấp bù lãi vay phục vụ mục đích tái đàn lợn cũng đã được Sở NN&PTNT các nơi đề xuất và có thể sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Ở quy mô lớn hơn, các DN chăn nuôi công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương cho rằng, ngoài việc hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn tái đàn, Chính phủ và các địa phương cần tạo ra chính sách ưu tiên quỹ đất đai cho phát triển chăn nuôi lợn để các DN có thể mở rộng các trang trại vành đai an toàn sinh học. Người dân có kế hoạch đầu tư vào chăn nuôi lợn sau dịch cũng cần phải có sẵn đất thuộc quy hoạch chăn nuôi thì mới có cơ sở và đủ tiềm lực tài chính, tài sản thế chấp để hợp tác với các NHTM để vay vốn phát triển các trang trại mới.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
