Để phát triển nguồn thu cho báo chí
Với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”, diễn đàn Tổng biên tập do báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức, diễn ra ngày 11/6/2020, với 3 chủ đề lớn được đưa ra bàn thảo. Đó là những nỗ lực gỡ khó cho báo chí và hiệu quả của những giải pháp phát triển nguồn thu cho báo chí thời gian qua; Báo chí phát triển nguồn thu: Bệ đỡ nào từ chính sách, nhà nước; Kiến nghị, đề xuất về chính sách hỗ trợ báo chí tháo gỡ khó khăn, phát triển thêm nguồn thu, bảo đảm kinh tế báo chí trong thời gian tới.
Đây là buổi tọa đàm mở, nằm trong chương trình Gala Báo chí lần thứ 2 - 2020 do Báo Nhà báo và Công luận - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan báo chí và các chuyên gia truyền thông.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nguồn lực, những giá trị do báo chí đem lại cho xã hội là vô cùng lớn, nhưng báo chí đang đứng trước một thực tế đầy khó khăn. Bảo đảm nguồn thu từ lâu đã trở thành bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt là các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Tại diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận phát biểu: đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp truyền thông, khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên cấp bách với giới báo chí. Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Để có thể làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền của mình, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí, vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.
Tổng biên tập các cơ quan báo chí đều nhận định, nguồn thu của tòa soạn đang bị ảnh hưởng lớn bởi mạng xã hội và xu hướng này ngày càng phát triển. Cùng với đó, báo chí chính thống còn tuân thủ nhiều ràng buộc nghiêm ngặt trong việc sản xuất nội dung, không thể giật title, câu view… như truyền thông xã hội, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến lượng độc giả của cả báo điện tử lẫn báo in. Chính vì vậy nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có nguồn tài chính ổn định, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp quy mô. Số khác buộc phải xoay sở bằng các nguồn thu khác như: Các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook...
Đóng góp những ý kiến về giải pháp tăng nguồn thu cho báo chí trong bối cảnh hiện nay, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, hiện toàn bộ thị trường quảng cáo, truyền thông của nước ta vào khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, các “ông lớn” như Facebook, Google và một số mạng xã hội khác chiếm 7.500 tỷ đồng. Còn lại khoảng 4.500 tỷ đồng cho tất cả mấy trăm cơ quan báo chí lớn nhỏ. Trong miếng bánh đã nhỏ đó, các đài truyền hình lớn dành được 2/3, nghĩa là chỉ còn một phần rất nhỏ cho các cơ quan báo chí còn lại. Thời gian qua, báo Tiền Phong đã tự làm phong phú nguồn thu của mình bằng cách tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, hội nghị, sự kiện; tạo nguồn thu từ đầu tư tài chính; phát hành; quảng cáo, hợp tác truyền thông; nguồn thu từ Công ty cổ phần Tiền Phong. Nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh, để giúp báo chí có thể tồn tại và phát triển trước sự cạnh tranh của mạng xã hội cũng cần phải có những giải pháp, chính sách hỗ trợ.
Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư cho rằng, với một cơ quan báo chí tự chủ thu - chi, nguồn thu vẫn nằm chủ yếu ở quảng cáo đến từ các doanh nghiệp và các tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ phát hành và một số hoạt động ngoài lề khác. Vậy mấu chốt của phát triển nguồn thu là phát triển các mối quan hệ bền chặt với cộng đồng doanh nghiệp hay nói cách khác là phải có sự đồng hành khăng khít hơn.
Cùng với đó, một số đại biểu cũng đề nghị nên làm rõ các chính sách về kinh tế báo chí, liên quan đến hoạt động kinh doanh trong và ngoài mặt báo; đồng thời duy trì việc đặt hàng các báo trong việc tuyên truyền chính sách và trả phí cho việc tuyên truyền đó. Đây là việc cần thiết để đảm bảo sự công bằng và khẳng định vai trò của báo chí.
Về phần mình, các cơ quan báo chí cũng cần hết sức chú trọng đến tiết giảm nguồn chi; tăng cường đào tạo lại để tiết kiệm nguồn nhân lực; triển khai báo chí đa phương tiện; hoạt động đúng tôn chỉ mục đích của báo chí để không bị thương mại hóa...
Trước những khó khăn về nguồn thu suy giảm mà các cơ quan báo chí đang gặp phải, đa số các ý kiến đều cho rằng bản thân các tờ báo cũng cần phải có những thay đổi mạnh mẽ và phải có chiến lược phát triển lâu dài, nhất là đầu tư mạnh về công nghệ nhằm thu hút độc giả. Cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa các nhà mạng và báo chí. Bên cạnh đó cũng cần phải có những hỗ trợ của Nhà nước để các cơ quan báo chí - công cụ truyền thông thiết yếu hoạt động có hiệu quả.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
