Đề cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
![]() |
Bắt tạm giam một đối tượng đột nhập ngân hàng cướp tài sản tại Hải Dương |
Thêm nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh
Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Huy Dũng (34 tuổi) để điều tra về hành vi "cướp tài sản". Theo điều tra, Dũng là đối tượng đã dùng súng bắn đạn cao su khống chế nhân viên phòng giao dịch một ngân hàng ở Tam Phước, Biên Hòa để cướp hơn 900 triệu đồng rồi tẩu thoát vào chiều 8/9.
Để đánh lạc hướng điều tra, Dũng giả vờ thuận tay trái khi rút súng đe dọa nhân viên ngân hàng; giả vờ thọt chân phải, chạy chân thấp chân cao khi chạy bộ thoát thân. Quá trình sử dụng xe gắn máy làm phương tiện gây án, Dũng cũng xịt sơn để che biển số và chạy vòng vèo khắp; cất giấu tiền, súng đạn ở những vị trí khác nhau. Trước đó, vì làm ăn thua lỗ và dính đến cờ bạc, cá độ nên đối tượng đã nảy sinh ý định cướp ngân hàng.
Trước đó, đối tượng Nguyễn Văn Nam (24 tuổi) đã mang 2 khẩu súng cùng 47 viên đạn đến một phòng giao dịch của ngân hàng tại Đình Vũ, Hải Phòng nổ súng và uy hiếp nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt gần 3,6 tỷ đồng; uy hiếp nhân viên bảo vệ, chiếm đoạt xe máy trị giá 7,8 triệu đồng.
Gây án xong, Nam đem ba lô chứa súng, đạn cùng số tiền còn lại đến nhà trọ tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi mua một chiếc xe máy trị giá 680 triệu đồng, đối tượng đã di chuyển đến thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, thuê phòng trọ để lẩn trốn. Đối tượng Trần Thị Thu Thủy (22 tuổi) biết bạn trai là kẻ cướp ngân hàng nhưng không khai báo mà tiếp tục sử dụng và cất giữ số tiền phạm pháp.
Kết đắng cho những kẻ liều lĩnh là những bản án mang tính nghiêm minh của pháp luật. Riêng đối với hành vi của Nguyễn Văn Nam và Trần Thị Thu Thủy, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nam mức án tù chung thân về tội "Cướp tài sản", 2 năm 6 tháng tù về tội "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng". Tổng hợp hình phạt mà Nam nhận là tù chung thân; Trần Thị Thu Thủy bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Chủ động phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn
Dù đã có những bản án nghiêm khắc nhưng các đối tượng manh động vẫn rình rập tìm cách gây án tại các ngân hàng vì đây là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và luôn là mục tiêu nhìn ngó của tội phạm hình sự. Do đó, việc nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trộm cắp tài sản, cướp tiền tại trụ sở làm việc của các ngân hàng là vấn đề cấp thiết.
Nhận diện những đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp, cướp tiền tại ngân hàng, Bộ Công an cho biết, các đối tượng gây án chủ yếu chưa có tiền án, tiền sự, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế. Bên cạnh các thủ đoạn truyền thống đã xuất hiện các đối tượng lập các nhóm kín, kết bạn với nhau trên mạng xã hội để thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích. Các vụ cướp thường xảy ra vào thời điểm lượng khách tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng ít, nhân viên mất cảnh giác, những nơi còn sơ hở trong công tác bảo vệ. Phần lớn các đối tượng phạm tội đe dọa hoặc sử dụng vũ khí tự chế, súng, vật liệu nổ giả để uy hiếp, thực hiện hành vi cướp tài sản.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, với vai trò của mình, NHNN chi nhánh tỉnh đã thường xuyên yêu cầu các tổ chức tín dụng đề cao cảnh giác, quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm trộm cắp, cướp tiền tại ngân hàng.
Đồng thời đơn vị cũng ký kết văn bản phối hợp với Công an tỉnh; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng công an cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các thông tin về phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm và những sơ hở tội phạm thường lợi dụng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho giao dịch viên và lực lượng bảo vệ.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự và Công an các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng, triển khai thực hiện chuyên đề, phương án, kế hoạch để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản, nhất là cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng; Cục Cảnh sát hình sự phối hợp các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước và Công an địa phương tổ chức khảo sát công tác phòng ngừa tội phạm tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để có kiến nghị giải pháp tăng cường phòng, chống tội phạm cướp ngân hàng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường kiểm soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và có biện pháp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên cập nhật, thông báo, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp tài sản nói chung, tội phạm cướp tài sản tại ngân hàng nói riêng, giúp người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao được ý thức cảnh giác, góp phần phòng ngừa tội phạm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giữ vai trò then chốt trong việc đẩy lùi tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp, cướp tiền tại ngân hàng nói riêng. Khi người dân nâng cao nhận thức, đề cao tinh thần cảnh giác, khi thấy có biểu hiện lạ sẽ chủ động thông tin đến cơ quan công an, góp phần giảm số lượng tội phạm, giảm tài sản thiệt hại và rút ngắn thời gian điều tra, bắt giữ tội phạm cho lực lượng chức năng.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
