Đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 3
Làm việc với các địa phương và bộ ngành liên quan, ngày 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, đường vành đai 3 có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển không chỉ với TP.HCM mà còn với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả khu vực Nam bộ. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải chủ động thực hiện các công việc trên đoạn tuyến đi qua, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách.
Tuyến đường vành đai 3 dài khoảng 89,3km, trong đó, đoạn qua TP.HCM hơn 47km, qua tỉnh Bình Dương 26km, qua Đồng Nai hơn 11km và qua Long An 6,8km. Hiện tỉnh Bình Dương đã đầu tư 15,3km với 6 làn xe. Đoạn dài 8,7km thuộc dự án thành phần 1A nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với TP.Thủ Đức, TP.HCM do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ODA, dự kiến khởi công vào quý 1/2022.
![]() |
Sơ đồ đường vành đai 3 |
Theo đó, nút thắt lớn nhất của dự án là hạ tầng giao thông kết nối hạn chế, hầu hết các tuyến đường huyết mạch đều quá tải. Các tỉnh, thành nơi tuyến đường này đi qua đồng kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho dự án với kinh phí khoảng 83.000 tỷ đồng. Trong đó, có chi phí giải phóng mặt bằng một lần (theo quy mô hoàn chỉnh) và đầu tư đường song hành hai bên, dự kiến hơn 52.468 tỷ đồng, số còn lại để xây dựng tuyến chính - đường cao tốc 4 làn xe hạn chế bao gồm cả các nút giao trên tuyến.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, để triển khai các công việc được giao của dự án đảm bảo tiến độ, TP.HCM và các địa phương đã họp bàn và cho rằng phương án đầu tư PPP không khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài khoảng 28-29 năm. Vì thế, các địa phương thống nhất đề nghị cho chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, từ nguồn phục hồi kinh tế. "Nếu được thì ngân sách đầu tư toàn bộ cho vành đai 3, nhưng nếu khó khăn thì phân chia tỷ lệ", ông Mãi đề nghị.
Đồng tình với UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết các địa phương rất quyết tâm với dự án vành đai 3 và vành đai 4. Bởi vì hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối vùng các tỉnh phía Nam rất hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Tuyến đường vành đai sẽ giúp Long An cũng như các tỉnh liên kết phát huy nguồn lực. “Vốn đầu tư cho vành đai 3 rất lớn, chắc chắn phải dùng đến ngân sách mới có thể đầu tư đồng bộ”, ông Út cũng đề nghị.
Về tình hình giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết tổng diện tích đất thu hồi tại TP. HCM là 38,1 ha với 80 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng. Đến nay, UBND TP.HCM đang rà soát thủ tục để bàn giao phần đất công ở nông trường dừa (chiếm khoảng 50% diện tích) trước tháng 3/2022 và chi trả bồi thường các hộ còn lại để sớm bàn giao mặt bằng. Riêng tỉnh Đồng Nai, diện tích thu hồi khoảng 49,1 ha với 457 hộ và phần đất công 3,44 ha, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng là 651,3 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng là UBND huyện Nhơn Trạch đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt tiếp theo để chi trả cho các hộ dân, dự kiến bàn giao mặt bằng trước tháng 3/2022.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng các dự án vành đai 3, 4 rất quan trọng, mở ra không gian phát triển cho TP.HCM và kết nối với địa phương. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương tập trung cao độ, chủ động thực hiện dự án đường vành đai vì tiến độ đến nay còn quá chậm. “Chủ trương của Chính phủ là phân cấp cho các địa phương chủ động triển khai nhằm huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Hiện khâu tổ chức thực hiện vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc đơn vị nào, chưa rõ đầu việc, chưa có phương án đầu tư cụ thể, hợp đồng tư vấn vẫn chưa ký kết. Bộ Giao thông - Vận tải phải phân cấp cho địa phương thực hiện”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Với những kiến nghị từ địa phương, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát kỹ các phương án, phương thức đầu tư, đoạn nào thực hiện được hình thức PPP, đoạn nào thực hiện bằng 100% vốn ngân sách. Đặc biệt, xem xét lại tổng mức đầu tư, tổng chi phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tổng chi phí xây dựng... Các chi phí này phải tính toán chi tiết, kỹ lưỡng trước khi hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ. Về nguồn vốn đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng, có thể tính đến phương án địa phương 70%, Trung ương hỗ trợ 30%, sẽ dễ thực hiện hơn phương án đầu tư bằng 100% ngân sách Trung ương. Mục tiêu là đến tháng 2/2022 sẽ trình Chính phủ để hoàn tất thủ tục đầu tư và đến tháng 4 hoặc tháng 5/2022 trình Quốc hội xem xét.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
