Đâu rồi nghề bán báo rong?
Hà Nội từng có những Trung tâm phân phối báo lớn của Hà Nội như: Phố Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ và phố Ngô Sỹ Liên - sau ga Trần Quý Cáp… và những người bán báo rong thường tụ về đó để nhận báo chí và mang đi khắp các ngả phố.
Cách đây 5 năm đến phố Ngô Sỹ Liên lúc 4h 30 phút sáng, chứng kiến những chồng báo được đưa từ nhà in về đây để chuẩn bị giao cho “đội quân bán báo rong” tỏa khi khắp nơi phát hành mà thấy ngộp. Những tiếng cười nói, tiếng í ới gọi nhau, tiếng sột soạt chia báo… khiến cả khu phố rộn lên, giống như một cái chợ báo. Và khi những người này tỏa đi các nơi, không khí mới lắng xuống. Có đến hơn 70% số người bán báo rong là phụ nữ, cả già lẫn trẻ, họ từ những vùng quê, chủ yếu ở miền Trung ra mưu sinh. Trong hàng chục công việc vất vả, họ đã chọn nghề bán báo rong, một nghề cũng thật cực nhọc.
![]() |
Nghề bán báo rong đang dần biến mất |
Trước đây, cứ khoảng 5h 30 phút sáng, những người bán báo ôm chồng báo trên tay, hoặc chở bằng xe đạp, họ rong ruổi trên phố, đi qua các nhà hàng, các dãy phố có nhiều hàng cà phê, hàng phở… Họ sẵn đến bất cứ phố nào, ngõ nào có bạn đọc, dù mưa dầm hay nắng đổ, dù bước chân mệt nhoài.
Chị Lê Thị Yên hào hứng kể, chị có hai con nhỏ, gửi cho ông bà ở quê nuôi giúp, vợ chồng chị cùng ra Hà Nội làm nghề bán báo rong. Tuy nhiên, để tiện làm ăn, mỗi người phải đi một “chợ báo” và bán ở một khu vực khác nhau. Đến tối mới gặp mặt tại nhà trọ để tổng kết thu nhập của một ngày và bàn về “chiến lược” bán báo cho sáng sớm hôm sau.
Chị tâm sự: “Trăm thứ nghề cơ cực thì nghề bán báo rong là một trong những nghề cơ cực nhất. Người bán phải không được nản, phải có sức khỏe để cắp tập báo trên người và đi rong hết phố này đến phố khác. Rồi cũng phải nhanh nhạy, nhận biết được thị hiếu của độc giả, thích đọc báo nào để lấy tờ đó nhiều hơn. Vào mùa mưa, chúng tôi khổ cực lắm vì luôn nơm nớp nỗi lo ướt báo. Chẳng may bị ướt thì đúng là khổ sở. Người dễ thì không sao chứ gặp người khó tính báo ướt là không chịu. Mà chúng tôi đâu có thời gian ngồi phơi khô, có khi phơi khô xong một tờ lại ế một mớ vì trưa. Vì vậy, hôm nào có ướt vài tờ xem như lãi giảm”.
Bà Nguyễn Thị Tứ (quê ở Thanh Hóa) vẫn cần mẫn bám nghề, chia sẻ: “Bây giờ tôi phải kết hợp. Sáng tranh thủ đi bán dạo báo một chút, chiều đi làm giúp việc. Trước đây mỗi ngày đầu buổi sáng tôi bán được hơn 100 tờ các loại. Nay đi mời mỏi miệng, mỗi ngày cũng chỉ được 30 đến 50 tờ. Nhiều hôm còn ế đến chục tờ”.
Nghề báo rong cũng vất vả như nhiều nghề khác, sợ mưa nắng, đặc biệt là mưa. Nhưng như bà Nguyễn Thị Tứ giãi bày, dù vất vả, nhưng nếu còn nghề là còn duy trì được cuộc sống, còn kiếm được tiền túc tắc sống qua ngày. Nay thì công việc ấy bị xén mất, thu nhập teo lại, trong khi chi phí sinh hoạt thì luôn tăng cao. Trước đây những người làm nghề chịu khó, mỗi ngày một người kiếm được 70 đến 100 nghìn đồng. Ít hơn thì khoảng 50 nghìn.
“Với số tiền kiếm được ấy, cộng với đi nhặt ve chai, buôn đồng nát thêm thắt tiền lẻ, hoặc giúp việc theo giờ là cũng ổn về chi phí ở thành phố. Đúng là điện thoại thông minh và công nghệ cướp cơm của chúng tôi đấy”, chị Nguyễn Thị Ái, trước đây từng bán báo rong, nay chuyển nghề đánh giày chia sẻ.
Nói gì thì nói, hình ảnh các ông bà, thanh niên buổi sáng ngồi uống nước, có kèm theo tờ báo để đọc; Người thể dục trong công viên, lúc nghỉ dưỡng sức, cầm tờ báo lên đọc; Người đứng đọc báo dán ở các bảng tin phường, cơ quan cũng là một nét văn hóa. Cảnh tượng ấy khiến người ta chùng xuống, cuộc sống như trôi đi chậm hơn, con người có một khoảng nghỉ ngơi và thư giãn nhất định. Thậm chí, việc đọc báo đứng ở các bảng thông tin nơi cổng một số báo, phường đã trở thành vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội.
Có người cho rằng, vắng hàng báo rong là Hà Nội mất đi một vẻ đẹp trầm lắng, khá riêng biệt. Tất nhiên, đó là quy luật chung. Người đọc, người bán báo lại chờ mong một kiểu bán báo khác, một kênh làm và bán báo khác hiệu quả.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
