Đau đầu xử lý đất sai mục đích
Thời gian qua, tại Đà Nẵng liên tục diễn ra thực trạng người dân bán đất trồng cây lâu năm, đất được giao khoán trồng rừng… tại 2 xã Hòa Ninh và Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) cho các cá nhân, hộ gia đình sử dụng vào mục đích xây dựng nghĩa trang gia tộc.
Điều này làm nóng dư luận xã hội địa phương về sự bất cập trong quản lý việc sử dụng đất. Nó cũng khiến hàng chục hộ gia đình trót mua đất rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, có nguy cơ mất trắng số tiền mua đất…
![]() |
Hàng ngàn mét vuông đất rừng đã bị người dân tự ý chuyển nhượng trái phép dẫn đến sử dụng sai mục đích |
Thực tế, đã có hàng ngàn mét vuông đất rừng nằm trong quản lý của Chính phủ tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) bị nhiều hộ dân lợi dụng sự lơ là trong quản lý tài nguyên đất của chính quyền địa phương chuyển nhượng trái phép, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, khi sự việc được phanh phui, các cấp chính quyền địa phương đều không vào cuộc kịp thời xử lý kiên quyết, dẫn tới sự việc diễn biến trong suốt một thời gian dài.
Câu chuyện bắt đầu từ khi UBND thành phố phê duyệt dự án mở rộng nghĩa trang xã Hòa Ninh (giai đoạn 3). Thế là, người dân các địa phương lân cận đã tìm về khu vực này tìm mua đất để xây dựng nghĩa trang cho gia tộc. Vì cả tin, một số người đã mua nhầm đất nằm ngoài quy hoạch, sử dụng sai mục đích từ những kẻ cơ hội.
Một người ở nơi khác đến Đà Nẵng làm ăn, sinh sống, xem đây như quê hương thứ 2 nên tìm mua một mảnh đất để lập nghĩa trang cho gia đình. Trước thông tin Nghĩa trang Hòa Ninh mở rộng giai đoạn 3 đã hoàn thành, biết một người dân ở Hòa Ninh có đất bán làm nghĩa trang nên đã về họp con cháu trong nhà rồi thống nhất mỗi người gom góp 50 triệu đồng để mua 1.000m2, với chi phí gần 500 triệu đồng, giao dịch theo hình thức giấy viết tay mà không biết nó nằm trong quy hoạch. Bây giờ chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế, tháo gỡ tường rào, khiến gia đình không biết xoay xở ra sao!
Thực tế cho thấy, nhu cầu mua đất làm nghĩa trang gia tộc của người dân ngày càng nhiều. Nhiều gia đình không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng để mua đất lập “trang gia viên”. Lợi dụng điều này, một số người dân địa phương ở huyện Hòa Vang có đất rừng nằm ven nghĩa trang được thành phố quy hoạch đã âm thầm cải tạo đất rừng, tiến hành san ủi, xây kè, phân lô để bán.
Một số người dân địa phương cho hay, nắm bắt được nhu cầu của những người đi mua đất lập nghĩa trang gia tộc, một số hộ dân có đất rừng lân cận dự án Nghĩa trang Hòa Ninh giai đoạn 3 đã san ủi, cải tạo lại, rồi bán cho người khác làm nghĩa trang gia tộc với giá cao.
Một người dân có đất ngay cạnh dự án Nghĩa trang Hòa Ninh giai đoạn 3 cho hay, thấy những người có đất lân cận bán với giá cao nên đã vận động người nhà và vay mượn thêm tiền để thuê máy san ủi 2.000m2 đất trên đồi làm nghĩa trang, chờ bán. Nếu giao dịch thành công, chắc chắn thu trên dưới 800 triệu đồng…
Tuy nhiên, chưa giao dịch được thì có thông tin chính quyền thành phố kiên quyết không cho người dân địa phương giao dịch bán đất rừng làm nghĩa trang.
Sau khi dư luận lên tiếng về tình trạng trên, chính quyền xã phối hợp với Ban quản lý nghĩa trang Hòa Sơn khẩn trương kiểm tra, xử lý vụ việc. Ngày 11/3/2016, UBND xã Hòa Sơn kiểm tra thực tế, phát hiện 2 vị trí do người dân tự ý xây dựng trong phần diện tích nghĩa trang thành phố (đã quy hoạch, giai đoạn 4 và 5 mở rộng) nhưng chưa bàn giao đất cụ thể cho hộ dân có nhu cầu sử dụng. Sau đó, lực lượng chức năng xã Hòa Sơn đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng trái phép.
Theo ông Trần Kim Đính, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, việc người dân tự ý xây dựng khu vực nghĩa trang đã được thành phố quy hoạch là sai quy định, vì phần đất này chưa được bàn giao cụ thể cho người dân.
Trước đó, ngày 4/3/2016, UBND xã Hòa Ninh tiến hành cưỡng chế đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Thảo đã san ủi mặt bằng, xây kè đá hộc, phân chia lô khoảnh làm biến dạng địa hình, tổng diện tích đất san ủi trái phép trên 3.357m2; tổng khối lượng bờ kè đá hộc chắn đất dài 390m.
Qua vụ việc này cho thấy, việc cải tạo và chuyển nhượng đất bất hợp pháp của một số cá nhân đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Mặc dù, đã phát hiện nhưng các cấp chính quyền huyện Hòa Vang không kiên quyết xử lý rốt ráo, dẫn tới hệ lụy kéo dài và có nguy cơ diễn biến phức tạp, khó giải quyết dứt điểm. Vì vậy, cần xử lý nghiêm những cán bộ buông lỏng trong quản lý đất đai tại địa phương để làm rõ trách nhiệm.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
