Đánh lận con đen
![]() |
Ảnh minh họa |
Đầu năm 2015, Tập đoàn A phát hiện nhà máy cán tôn tự ý sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của mình đã được cấp bằng bảo hộ để in trên các bảng hiệu quảng cáo của nhà máy. Đồng thời, nhà máy cán tôn tự ý sử dụng logo của Tập đoàn A để in trên mẫu bảng chào giá của cơ sở, nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh, mặc dù không có sự đồng ý của Tập đoàn A bằng văn bản…
Phát hiện sự việc, Tập đoàn A có văn bản yêu cầu nhà máy gỡ bỏ bảng hiệu, nhưng nhà máy vẫn tiếp tục vi phạm. Ngày 2/3/2015, Tập đoàn A tiếp tục tìm hiểu thực tế, phát hiện nhà máy vẫn còn sử dụng trái phép nhãn hiệu và logo của công ty. Tiếp đến, ngày 16/6/2015, Tập đoàn A lại phát hiện nhà máy sử dụng nhãn hiệu tôn của công ty để làm kệ trưng bày sản phẩm, nhằm quảng cáo cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến lúc đó, Tập đoàn A khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh xét xử, buộc nhà máy cán tôn chấm dứt hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu tôn của công ty để in trên bảng hiệu quảng cáo và dỡ bỏ ngay lập tức các bảng hiệu, bảng quảng cáo sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn A.
Đồng thời, nhà máy chấm dứt hành vi sử dụng logo của Tập đoàn A để in trên các bảng chào giá của nhà máy, huỷ bỏ tất cả những bảng chào giá và các chứng từ khác đã in logo thuộc sở hữu của Tập đoàn A.
Tại buổi hoà giải, chủ nhà máy cán tôn thừa nhận có sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn A in trên bảng quảng cáo như Tập đoàn A phản ánh. Tuy nhiên, ông này giải thích, trước đó - từ ngày 22/12/2014 đến ngày 13/1/2015, ông có mua một số cuộn tôn và mua sắt hộp của Tập đoàn A về bán nên nhà máy được phép sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn A để giới thiệu với khách hàng.
Hội đồng xét xử nhận định, phía nhà máy cho rằng có kinh doanh các sản phẩm của Tập đoàn A nên được sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn A là không đúng. Bởi lẽ, Tập đoàn A là chủ sở hữu các nhãn hiệu, logo đã được đăng ký bảo hộ.
Việc nhà máy có kinh doanh sản phẩm của Tập đoàn A cũng không đương nhiên làm phát sinh quyền sử dụng đối với nhãn hiệu hàng hoá của Tập đoàn A. Cho nên, nếu nhà máy sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của Tập đoàn A thì phải được sự cho phép của Tập đoàn A.
Từ đó, Hội đồng xét xử cho rằng nhà máy cán tôn có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của chủ sở hữu là Tập đoàn A theo điểm a khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Toà chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn A, buộc nhà máy cán tôn chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn A in trên bảng quảng cáo trước nhà máy; dỡ bỏ các bảng quảng cáo, bảng hiệu có sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn A; chấm dứt hành vi sử dụng các nhãn hiệu của Tập đoàn A để in trên bảng chào giá của nhà máy cán tôn; và buộc nhà máy cán tôn có trách nhiệm tiêu huỷ tất cả những bảng chào giá và các chứng từ khác có in các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn A.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
