“Đại điền" - Mô hình sản xuất hiện đại
Những gợi mở ban đầu
Gom đất thành đại điền đang được cho là mô hình có thể giúp dịch chuyển nền nông nghiệp nhỏ lẻ và manh mún sang kinh tế hàng hóa hiện đại và Thái Bình là một ví dụ trực quan. Từ tên gọi có tính biểu tượng “quê hương 5 tấn” thuở nào, giờ đây vùng đất này vẫn là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hàng năm đạt 155.000 ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 13 tấn/ha, tức gấp gần 3 lần so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nga - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thái Bình phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền” tổ chức ngày 4/4/2023, hiện hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt tại địa phương còn thấp, quy mô nông hộ hẹp. Trung bình mỗi hộ có 4 khẩu, tương đương 0,2 ha đất nông nghiệp được giao. Sản xuất lúa gạo tuy vẫn có lãi nhưng thu nhập hiện không đảm bảo đời sống cho người nông dân.
![]() |
Gom đất thành đại điền đang được cho là mô hình có thể giúp dịch chuyển sang kinh tế nông nghiệp hiện đại |
Thực tế là cho đến những năm gần đây, tại Thái Bình vẫn xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn phát triển quy mô lớn, mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác.
Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, mô hình “người người, nhà nhà đều sản xuất nông nghiệp” không còn phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Việc rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện để tích tụ tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu. Đó là cơ sở để có thể đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất, cơ giới hóa các khâu. Các mô hình này thực sự đã làm thay đổi cuộc sống của người lao động bằng chính nghề nông, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang hóa.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình, số hộ có diện tích canh tác từ 2 ha trở lên là hơn 1.700 hộ và một tổ chức đã hình thành là hội đại điền, quy tụ được khoảng gần 200 thành viên ở rải rác toàn tỉnh.
Nhận thức được thực tế này, năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021-2025. Theo ông Vương Đức Hằng, từ năm 2004, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, qua đó đã khắc phục được một phần tình trạng thửa đất nhỏ lẻ, manh mún phân tán của hộ gia đình, cá nhân. Trong thời gian tới, huyện Đông Hưng sẽ khuyến khích việc đổi thửa, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh phát triển và nâng cao giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó giảm diện tích nông dân bỏ ruộng hoang. Huyện cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
“Mặc dù chính sách mới được triển khai nhưng đã có một số doanh nghiệp tham gia, gợi mở cơ hội cho các hộ tích tụ ruộng đất và doanh nghiệp cùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Đại điền – nền móng cho nông nghiệp hiện đại
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), mô hình đại điền ra đời trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nền nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Mô hình đại điền chỉ có thể thành công khi đảm bảo các yếu tố: quy mô lớn, chất lượng thương hiệu, có tổ chức và phát triển bền vững.
Việc phát triển đại điền không những giải quyết được vấn đề sản xuất nông nghiệp manh mún, lao động chủ lực khu vực nông thôn rời bỏ sản xuất mà còn dễ dàng hơn trong áp dụng công nghệ, thiết lập các mô hình nông nghiệp hiện đại với lợi nhuận cao và bền vững, đồng thời có cơ sở thuận tiện hơn để tiếp cận vốn ngân hàng…
Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, hiện bà con nông dân và các hợp tác xã đang gặp nhiều vướng mắc về tài sản thế chấp để vay vốn phát triển nông nghiệp do khó chứng minh tài sản bảo đảm và phương án kinh doanh. Tuy nhiên, hiện với chính sách hỗ trợ cho vay sản xuất đại điền, người nông dân có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc, phương án kinh doanh… để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Liên quan đến mô hình đại điền, Agribank có thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Đây là chính sách được thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ.
Chia sẻ ở khía cạnh khác, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc nhấn mạnh, trong quá trình triển khai mô hình đại điền, các đơn vị và đầu mối cần chung tay hỗ trợ nông hộ trong khâu sau thu hoạch, hỗ trợ xây dựng chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hợp tác xã và nông hộ, đảm bảo ổn định chất lượng giống gieo trồng.
Từ thực tế, ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; và cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai.
Tin liên quan
Tin khác

Hướng đi mới trong phát triển thị trường carbon Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái

Hợp tác xã chuyển đổi xanh để bứt phá

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Ngư dân Thanh Hóa trúng mùa cá trích, thu nhập tăng cao

Phân bổ nguồn vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia tránh chồng chéo, dàn trải

Xuất cấp 1.453 tấn gạo cho 3 tỉnh dịp giáp hạt đầu năm 2025

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng trong 2 tuần liên tiếp

Xuất khẩu rau quả giảm trong 3 tháng liên tiếp
