Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương hưu cho người nghỉ trước năm 1993
Đại biểu Hoàng Văn Niêm (Long An) nêu một thực tế hiện nay là lương hưu của những người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, đời sống khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết lý do và giải pháp cơ bản để điều chỉnh chế độ tiền lương đối với người nghỉ hưu trước năm 1993 để có thể bảo đảm được cuộc sống.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đây là một day dứt trong quá trình làm chính sách xã hội. Hiện có 592.000 người hưởng lương hưu trước năm 1993, trong đó có 60% số người nghỉ hưu sớm trước tuổi; 1/3 là trong lực lượng vũ trang, với mức lương rất thấp. Từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh lương hưu cao hơn mức bình quân tuy nhiên vẫn rất thấp, thấp nhất hiện nay là 3 triệu/người, cao nhất là 8 triệu/người.
![]() |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chỉ có thể xử lý căn bản vấn đề này khi điều chỉnh chính sách tiền lương theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng về chính sách bảo hiểm xã hội. Thứ hai, sẽ tính toán thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với người đang làm việc. Thứ ba, điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch tiền lương của người nghỉ hưu cùng chức vụ, cùng vị trí việc làm và cân đối giữa các thời kỳ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), vấn đề tiền lương của cán bộ hưu trí trước năm 1993 đã được nhiều đại biểu đưa ra từ Quốc hội khóa XIII, và tiếp tục ở Quốc hội khóa XIV.
Do đó, dù đồng ý với Bộ trưởng về giải pháp nhưng đại biểu thấy về mặt “ý chí” thì chưa rõ. “Bởi vì chúng ta hình dung, nghỉ trước năm 1993 thì đến bây giờ các đồng chí đó đã bao nhiêu tuổi và số lượng còn lại không phải là nhiều. Đặc biệt, bản chất của vấn đề này đó là cách đối tượng nghỉ trước năm 1993 đa số là các đồng chí tham gia trong thời kỳ kháng chiến, thời buổi đó rất khó khăn, nền kinh tế của đất nước khó khăn, các đồng chí ấy đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình”, đại biểu Tâm nói.
Đại biểu này cũng phân tích kỹ hơn về việc nghỉ trước tuổi, cho rằng nghỉ trước tuổi ở đây là thực hiện chính sách chung của Đảng, của Nhà nước và của Chính phủ để tinh gọn bộ máy thời điểm lúc bấy giờ. Lực lượng vũ trang cũng vậy.
“Lúc đó chúng ta có chủ trương này, cho nên thiệt thòi là rất lớn, cống hiến cũng rất là lớn. Vì vậy, chính sách cần phải nhanh hơn. Tuổi đời của các đồng chí đó không còn nhiều, ta cần phải có chính sách nhanh hơn. Tôi nghĩ rằng đất nước ta khó khăn nhưng chính sách đối với người đi trước không thể chậm hơn nữa”, đại biểu này kiến nghị.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
