Đà Nẵng siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch tại các chợ
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Trước tình hình ngày càng có nhiều ca dương tính liên quan đến các chợ trên địa bàn và buộc phải tạm dừng hoạt động, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành công văn về việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 tại các chợ trên địa bàn thành phố.
Theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ trên địa bàn thành phố, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu hàng ngày phục vụ người dân, công ty đã quán triệt cho ban quan lý các chợ lớn trực thuộc đơn vị, gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường tập trung triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
![]() |
Người dân đi chợ phải có thẻ QR Code mua hàng thiết yếu, bảo đảm khi ra, vào chợ phải được lưu vết thông tin trên hệ thống thẻ để liên hệ khi cần thiết, phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả |
Cụ thể, đối với hộ kinh doanh, người bán hàng, người làm việc: Yêu cầu chỉ bán các mặt hàng thiết yếu theo quy định; tuân thủ việc sắp xếp nơi bán hàng của ban quản lý chợ thực hiện giãn cách các sạp hàng, quầy hàng trong chợ bằng cách bố trí bán luân phiên trong ngày không quá 50% số lượng hộ tiểu thương được phép buôn bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ (trừ các tiểu thương phân phối hàng sỉ tại chợ đầu mối Hòa Cường); thực hiện tốt thông điệp "5K"; quản lý chặt người lao động, người bán hàng của mình; thông báo ngay cho cán bộ quản lý chợ hoặc cán bộ đầu mối phụ trách phòng, chống dịch tại chợ nếu phát hiện bản thân hoặc người có liên quan trong giao tiếp tại chợ có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… Hiện nay gần 100% các tiểu thương buôn bán ở các chợ trên địa bàn thành phố đều được xét nghiệm định kỳ.
Đối vối khách hàng, ngoài việc yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch khi đến chợ mua sắm, Ban quản lý các chợ chỉ cho phép vào chợ đối với trường hợp có thẻ vào chợ có mã QRCode mua hàng thiết yếu (thay cho thẻ QRCode cũng như thẻ vào chợ ngày chẵn lẻ được áp dụng trước đây).
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của thành phố phải kiểm soát được người, tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố vào chợ đầu mối Hòa Cường, nhất là vào khoảng thời gian từ 5 giờ 30 đến 7 giờ sáng. Ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường đã kiểm soát chặt chẽ người, tiểu thương các chợ vào khu vực bán sỉ cũng như xây dựng phương án bán hàng sỉ trong tình hình mới, qua đó nắm được toàn bộ danh sách tiểu thương các chợ đến mua hàng tại chợ đầu mối Hòa Cường để kiểm soát.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, để tăng cường công tác phòng dịch tại các điềm bán trực tiếp, Sở đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa điểm kinh doanh đến các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Theo đó, tất cả các điểm bán hàng phải thực hiện phân luồng, hướng dẫn khách hàng giãn cách tối thiểu 2m khi mua hàng, nhất là tại khu vực thanh toán; tăng cường kiểm soát việc thực hiện phòng, chống dịch như: đo thân nhiệt, khai báo y tế, thường xuyên thông tin, hướng dẫn khách hàng thực hiện “5K” và các quy định về phòng, chống COVID-19.
Khuyến khích bán hàng trực tuyến
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, đi đôi với bảo đảm lượng hàng hóa thiết yếu trên kệ, tránh đứt gãy cục bộ, Sở Công Thương đã khuyến khích các điểm bán hàng tăng cường giải pháp bán hàng online, cũng như người dân đặt mua hàng qua điện thoại. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các địa phương tuyên truyền kịp thời đến người dân về nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của toàn thành phố; khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ hàng hóa số lượng lớn, chỉ nên mua đủ dùng.
Sở Công Thương công bố danh sách các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán online trên địa bàn thành phố nhằm khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa thông qua các giải pháp công nghệ (đặt hàng online, qua điện thoại,…). Theo đó, Sở phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố trên các phương tiện truyền thông và tại các địa chỉ: Tổng đài thông tin Dịch vụ công của thành phố 1022; Bản đồ Điểm bán hàng thiết yếu; Trang thông tin điện tử Sở Công Thương.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai áp dụng thống nhất thẻ QR Code mua hàng thiết yếu (thay thế thẻ vào chợ QR Code) để người dân lựa chọn tại một trong các địa điểm mua sắm gồm: siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố.
Với thẻ này, người dân lựa chọn đi mua sắm 1 lần trong ngày tại một trong các địa điểm: siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại. Đồng thời, bố trí lực lượng bảo vệ, kiểm soát người dân đến mua sắm tại cổng vào, ra của các đơn vị, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị di động thông minh để quét thẻ QR Code mua hàng thiết yếu của người dân.
Các đơn vị không được cho người vào mua sắm nếu không xuất trình được thẻ QR Code mua hàng thiết yếu hoặc thẻ QR Code không hợp lệ (không đúng mẫu, không đúng ngày, đã mua sắm tại địa điểm khác trong ngày,... được thể hiện trên ứng dụng). Bảo đảm tất cả người ra, vào chợ phải được lưu vết thông tin trên hệ thống thẻ, để liên hệ khi cần thiết, phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ
